Wednesday, August 13, 2008

Những suy nghĩ cũng cần nói ra ở giờ thứ 25!

Những suy nghĩ cũng cần nói ra ở giờ thứ 25!

*Đặng thiên Sơn

Thời gian hạn định 120 ngày để xin chữ ký bãi nhiệm nghị viên Madison, kể từ giữa tháng 5/08 đến nay chỉ còn 2, 3 tuần nữa sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, cho tới giờ phút này Ủy Ban Bãi Nhiệm chưa lên tiếng cho biết đã thâu nhận được bao nhiêu chữ ký rồi. Điều này, có lẽ, đã làm cho hai phía ủng hộ bãi nhiệm và chống bãi nhiệm hồi hộp theo dõi.
Ai cũng thấy thành phần ủng hộ bãi nhiệm, là thành phần đa số trong cộng đồng Việt Nam. Đây là sự thật, không thể chối cãi.
Qua chữ ký đại diện của cử tri khu vực 7, cộng đồng VN đang áp dụng quyền hiến định của tiểu bang California để sửa chữa lại những sai lầm khi đã trót lỡ ủng hộ bà Madison - một nghị viên bất xứng trên mọi phương diện. Đồng thời qua việc làm lịch sử này, cộng cồng Việt Nam cũng muốn gởi đến ông thị trưởng thành phố Chuck Reed, các nghị viên Sam Licardo, Peter Constant, Judy Chirco, Forrest William một “thông điệp giáo dục” dành cho những người ở vai trò lãnh đạo trong đó gói ghém tinh thần phải biết tôn trọng dân chủ, phải biết trọng danh dự của những sắc tộc khác, cho dù họ là thành phần thiểu số.
Cuộc đấu tranh qua phương thức bãi nhiệm bà Madison thành, bại ra sao chưa ai biết được. Nhưng ít ra hiện tại Cộng Đồng Việt Nam - những kẻ tha hương vì thảm họa Việt cộng, cũng đã chứng tỏ cho các cộng đồng bạn thấy họ là một dân tộc quả cảm, kiên cường, bất khuất, không lùi bước trước bạo lực, trước cường quyền và trước sự đe dọa trắng trợn của thị trưởng Chuck Reed và những thế lực khác.
Trong khi ấy thành phần binh vực cho bà Madison, tiêu biểu là những cá nhân như ông Hoàng Thế Dân thuộc đảng Việt Tân - một đảng thỏa hiệp với VC. Ông bánh mì thịt nguội Lê Văn Hướng - người nổi tiếng với bản danh sách ma. Và ông bà Đoan Trang, Nguyên Khôi của đài Quê Hương - một người đàn bà nổi tiếng với cây đinh dài một tấc và một người đàn ông nổi tiếng có giọng nói “lẹo lưỡi” thiên phú. Như vậy trắng, đen, vàng, đỏ, gạo, đậu đã rõ ràng hai thái cực.
Tới giờ phút thứ 25 này, thiết nghĩ đưa ra những lý do dẫn đến việc bãi nhiệm bà Madison hay bàn cải về những biện luận do cá nhân hay cơ quan truyền thông ủng hộ bà Madison tung ra để chống lại bãi nhiệm, tưởng không còn cần thiết.
- Không có gì uổng phí thì giờ cho bằng, khi đứng về phía bãi nhiệm, chúng ta “nói thêm về tội lỗi” của bà Madsison đã đối xử với cử tri khu vực 7 và cộng đồng Việt Nam. Điều mà ai cũng thấy, hơn nữa, nó không còn chỗ để chứa.
- Cũng như, không có gì nhạt nhẽo hơn khi làm nổi bật tư cách của những cá nhân, tổ chức đã khuất phục dưới sự sai khiến của thế lực đen, thế lực đỏ đang đứng sau lưng bà Madisson. Bởi cho tới giờ phút này, một năm đã qua, vẫn bổn cũ soạn lại. Những người binh vực bà Madison không giải thích được thuận tai về sự hỗn hào của bà Madison, khi bà gọi những người đáng tuổi cha, đáng tuổi chú, đáng tuổi cô, dì của bà ta có mặt trong đêm 20/11/07 tại phònhg họp City Hall , là “bọn ăn không ngồi rồi” là câu nói hợp lý của một đại diện dân.
Những người đang binh vực cho bà Madison, tới giờ họ cũng chưa có một chứng minh được hàng trăm đồng hương biểu tình thứ Ba Đen trước City Hall, là gánh xiếc khi những người này dãi nắng, dầm mưa đấu tranh đòi hỏi thành phố phải tôn trọng dân chủ, là câu nói đúng đắn của một nghị viên.
Những người ủng hộ bà Madison, họ cũng không biện hộ được hay nói đúng hơn, họ đã không dám nhìn thẳng vào sự thật về sự sai trái của HĐTP, khi chấp nhận cái tên Sàigòn Business District chỉ có 4% người ủng hộ so với cái tên Little Sàigòn có trên 90% người ủng hộ rằng, đã thể hiện đúng mức tinh thần tôn trọng dân chủ của HĐTP.
Ngoài ra, số người binh vực bà Madison đã cứng họng, không giải thích được về sự nói láo không để cho lưỡi kịp lột da của bà Madison trước những bằng chứng hiển nhiên, đã thể hiện được tư cách mất căn bản đạo đức của một nghị viên.
Cho nên nền tảng ủng hộ bà Madison của những người chống bãi nhiệm, chỉ là những điều được “thổi phồng” về việc làm tầm thường trong vai trò nghị viên của bà này .Từ đó có thể kết luận, những thành phần ủng hộ bà Madison đã áp dụng nguyên tắc "bất chấp thủ đoạn” của Mác-Lê để làm màn chắn cho bà Madison.
Trong kỳ phát thanh vào chiều Chủ Nhật 10/08/08 vừa qua, Ủy Ban Bãi Nhiệm vẫn còn tiếp tục kêu gọi cử tri khu vực 7 cho chữ ký và lên tiếng đang cần 2, 3 chục tình nguyện viên gia nhập vào ban xin chữ ký. Bên cạnh đó UBBN còn kêu gọi đồng hương ngoài khu vực tiếp tay, yểm trợ để việc bãi nhiệm được thành công như mong muốn.
Với những lời kêu gọi vừa tha thiết vừa cứng rắn của ông Thomas Nguyễn, của ông Lê Lộc người nghe không khỏi áy náy trong lòng.
Chắc chắn mọi người ai cũng thấy rõ một điều, là việc bãi nhiệm không phải là việc cá nhân riêng của ông Lê Lộc, của ông Thomas Nguyễn, của ông Hồ Vũ, của cô Mỹ Phương, cô Lưu Phương và những thành phần trí thức thuộc nhiều thế hệ, trẻ có già có…, cũng như gần 50 anh, chị đứng tuổi trong UBBN. Đây không phải là việc làm do số người này, tự ý dựng ra để gây gánh nặng cho cộng đồng.
Tôi nhớ đến những lời tâm sự của các anh, các chị đi gỏ cửa từng nhà đồng hương VN trong khu vực 7 để xin chữ ký. Các anh chị này, kể cho tôi nghe có rất nhiều… thật nhiều đồng hương cử tri tử tế, cởi mở khi tiếp đón họ. Dù đồng quan điểm hay không trong việc bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn, những cử tri này rất lịch sự trước tư cách ăn nói nhả nhặn và biết lắng nghe ý kiến người đối diện của anh, chị trong toán đi xin chữ ký. Nhưng cũng không ít người từ chối cho chữ ký với những lý do, mà một người bình thường khó có thể chấp nhận. Đây là điều, mà theo tôi thật đáng buồn, như:
- Thôi thôi, tôi không muốn dính vô mấy cái vụ này.
- Thôi thôi, tôi không muốn dính vô chuyện chính trị.
- Thôi thôi, tôi còn phải về Việt Nam.
- Thôi thôi, tôi không muốn mất housing, mất trợ cấp
- Vân vân và vân vân…
May mà con số những người lập luận như trên không phải là con số nhiều, mà anh chị đi xin chữ ký gặp phải. Nhưng nó cũng không phải là con số ít, vì nó nằm trong con số bách phân 20-30%.
Tôi nói lên điều này, để những đồng hương trong khu vực 7 chưa có dịp tiếp xúc với các anh, chị phụ trách lấy chữ ký trong UBBN thấy rằng, đời sống con người ngoài những cái ai cũng cần như: cơm ăn , áo mặc, xe hơi, nhà cửa phục vụ cho thể xác. Chúng ta còn có giá trị tinh thần bao gồm đạo đức, liêm sĩ, danh dự. Những thứ này dù là kẻ ăn nhờ ở đậu xứ người ta, nhưng khi là con người ai cũng cần phải có. Cho nên việc UBBN đi xin chữ ký đồng hương để đòi lại danh dự cộng đồng đã bị bà Madison, ông Chuch Reed và HĐTP chà đạp, phỉ báng là việc làm đầy ý nghĩa, đâu dính dáng gì tới chính trị, housing, trợ cấp, về Việt Nam. Nên không thể nghĩ như một số đồng hương đã nói.Tôi cho rằng ý tưởng kia, là một điều sai lầm trong đời sống tỵ nạn, cần mạnh dạn xét lại.
Tôi luôn bị ngậm ngùi nặng trĩu trong lòng về những mất mát của một đời người khi phải vượt sóng bỏ xứ ra đi. Đau thương nhứt là mất tình tự dân tộc thật sự. Hàng ngày trong cộng đồng, mọi người có thể nhìn thấy nhau nơi chợ búa, nhà hàng, nhưng vẫn thấy xa cách ngập ngừng. Mấy chục năm rồi, những hình ảnh gian nan của thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thời kỳ vượt biên, vượt biển đã qua. Tất cả đã là quá khứ. Phải! Nhưng có những điều trong quá khứ người ta không thể quên khi nó đã trở thành một bài học.
Một câu hỏi thật lớn hiện ra trong đầu tôi: “ Nếu số chữ ký cử tri khu vực 7 cần thiết để bãi nhiệm không đủ thì sao?” Có nghĩa là việc bãi nhiệm bà Madison thất bại. Như vậy, trách nhiệm về ai và hậu quả sẽ ra sao với những hệ lụy của nó? ”
Tôi nhớ con số trên 2.000 người trong ngày họp khoáng đại cộng đồng ngày 9/12/07 tại G.I Forum. Tôi nhớ đến con số gần 10.000 ngàn người trong ngày biểu dương sức mạnh đoàn kết cộng đồng 2/3/08 và trên 5.000 người trong ngày chào mừng “Little Sàigòn” 18/5/08 trước tiền đình City Hall. Để rồi hôm nay, chỉ còn hơn 50 người thật sự đang ngày, đêm xuống đường dấn thân đi xin chữ ký cử tri khu vực 7, với không ít đắng cay, chua xót đang nổi dậy trong lòng.
Xin cộng đồng và đặc biệt là quí đồng hương khu vực 7 đừng để chuyện đáng tiếc lần nữa xảy ra, khi chúng ta đã để nó xảy ra vào tháng 5 năm 2005.

• Đặng thiên Sơn
12/8/2008