Tuesday, April 14, 2009

Truyện ngắn: Cơn đau

* Đặng thiên Sơn
(Kỷ niệm của một thời chinh chiến)

Vì đứng đợi khá lâu nên máu của cơ thể từ trên dồn xuống làm Ngà thấy gót chân trái của mình bắt đầu buốt nhức nhối vô cùng . Chàng co chân trái gác nhẹ lên sóng lưng của bàn chân phải để cho bớt tê, nhưng chẳng bao lâu chân phải cũng tê luôn vì bị sức nặng của nguyên cả cơ thể đè lên đó. Ngà đưa mắt nhìn quanh tìm một chỗ trống để ngồi, nhưng những ghế đợi trong phòng đã chật ních người. Thấy khó lòng có chỗ ngồi, Ngà đành đứng dựa lưng vào vách, bặm môi chịu trận.

Nhìn đồng hồ thấy đã 11 trưa giờ rồi mà vẫn chưa nghe gọi tới tên mình, Ngà sốt ruột và bỗng có ý nghĩ khó chịu, bực dọc với những bịnh nhân cũng có mặt trong phòng đợi như mình. Ngà nhìn hết người này tới người kia để tìm hiểu coi họ bịnh thật hay bịnh giả mà tới khám đông như vậy.

Khu Ngà đến khám là khu chuyên khoa về xương tay, xương chân. Khu này nằm về hướng Tây bên cánh phải của bệnh viện Basscom. Đây là lần thứ hai Ngà đến bịnh viện này kể từ ngày vết thương cũ tái phát và trở chứng. Ngà nhớ lần trước số người đến khám bịnh ngồi chờ cũng đông. Nhưng lần đó, Ngà không cảm thấy ghét họ như lần này. Có lẽ vì nghĩ nhiều đến vết thương, lo sợ cho cái chân của mình phải bị cưa cụt. Và hơn nữa, lúc này chân chàng đang đau kinh khủng nên đã làm Ngà cảm thấy mất hết cảm tình đối với bất cứ ai đang đứng chung quanh mình.

Ngà nhìn chị đàn bà người Mễ Tây Cơ mập thù lù ngón tay út của chị đàn bà này quấn miếng băng trắng và đang nói chuyện bô bô. Chàng rủa thầm trong miệng, là chị ta giả đò đau và làm ra vẻ quan trọng hóa vết thương của mình.

Ngà nhìn một thanh niên Mỹ mặc áo khoát bằng da, ngón chân cái của anh ta cũng quấn băng trắng đang cặp nách cặp nạn đi tới đi lui thấy buồn cười. Chàng nghĩ bụng tên Mỹ và bà Mễ: "Sao nặng phần trình diễn quá". Và bọn người nầy đã thể hiện đúng mức câu mà người Việt hay nói là "Nhà giàu đứt tay, bằng nhà nghèo đổ ruột".

Ngà nhìn đứa bé khoảng hai, ba tuổi đang nằm ngủ mê man trên chiếc xe đẩy. Nguyên một cánh tay của em bé bị băng bột kín mít mà nhủ thầm: "Bịnh nhân như vậy mới là thứ thiệt. Còn đám mấy bịnh nhân kia đúng là dân kỳ đà cản mũi." Nhìn chung quanh chán, Ngà quan sát khu khám bịnh kế bên. Kế bên là khu trị về bịnh gì Ngà không rõ, nhưng nhìn những bịnh nhân ngồi trên xe lăn với sắc mặt khờ khạo, miệng nói lảm nhảm, tay chân chỉ chỏ, mắt dáo dác, miệng cười vu vơ. Ngà nghĩ đó là khu trị bịnh tâm thần.
Nhìn những bịnh nhân loại này, chàng nhớ đến lời mấy người bạn nói: "Sống trên đời không biết gì như mấy người điên mà sướng hơn".

Cơn đau từ gót chân trái đưa lên óc khiến Ngà càng lúc thấy càng khó chịu dữ dội. Chàng đứng trân cứng người đến độ mồ hôi rịn ra khắp cơ thể. Ngà có cảm tưởng như đang có cả trăm, cả ngàn con sâu đang tranh nhau gậm từng miếng xương của gót chân nên mới đau như vậy. Ngà như thấy chân trái của mình bị cụt dần, cụt dần và trong cơn thảng thốt chàng loáng thoáng nghe tiếng người hạ sĩ già nói:

- Thôi về đi ông thầy! Thằng Ninh này chết thì có thằng khác mà... lo gì?

Ngà nạt:

- Nói bậy!

Ngà ngồi trong bụi rậm nhìn về phía Ninh, người thuộc hạ của mình bị trúng đạn, đang nằm im bất động cách chỗ chàng ngồi không xa. Xoay qua nhìn viên Đại úy cố vấn đi theo, Ngà nói:

- Tôi muốn bò lên coi thằng em thế nào! Anh nghĩ sao?

Bill cười làm thinh. Ngà gật gù ra chiều hài lòng. Chàng thì thào nói tiếp:

- Lên với tôi không?

Viên sĩ quan cố vấn nhún vai:

- O. K! Đi thì đi.

Ngà vỗ vai Bill, tán dương:

-Vậy, tốt!

Sau khi bố trí và dặn dò các anh em trong toán xong. Ngà ra dấu cho Bill cùng bò tiến về phía Ninh đang nằm bất động. Chàng hô xung phong, xung phong, nhiều lần thật lớn và vạch cây bò về hướng Ninh. Ngà và Bill trườn người lên phía trước chưa được hai thước, thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, đất cát bay mù mịt. Ngà có cảm giác cả thân người mình bị nhấc bổng lên cao, nhưng cảm giác này không rõ ràng lắm. Và trong cát bụi mịt mờ tiếng súng thượng liên, tiếng súng AK 47, chen lẫn với những tràng M16 nổ liên hồi. Khói súng xông lên khét lẹt. Ngà nằm nghiêng, thấy lao chao những bóng người phía bên trận tuyến của mình sau những gò mối.

Diễn biến xảy ra quá sức mau lẹ khiến Ngà chưa biết phải làm gì. Chàng quay người đưa mắt tìm kiếm Bill, nhưng chẳng thấy anh chàng cố vấn này đâu cả. Lúc bấy giờ, Ngà mới thấy nơi mắt mình ươn ướt, đồng thời có vị mằn mặn, tanh tanh nơi miệng. Ngà vội lấy cái nón vải đi rừng đang đội, lau ngang trước trán. Máu đỏ thấm ướt cái nón vải khiến Ngà biết mình đã bị thương. Không đầy năm phút, tiếng súng của hai bên im bặt. Chiến trường bỗng im lặng một cách rợn người. Ngà nhìn lại phía sau để tìm những con "Diều hâu" trong toán của mình.
Ngà nhìn thấy Tư, viên Trung sĩ phụ trách tuyền tin, đang nấp sau gò mối, trố mắt, ngạc nhiên nhìn chàng. Mắt nó sáng lên tỏ vẻ mừng rỡ. Ngà nhớ là trước khi tiến lên mục tiêu để coi tình trạng của Ninh như thế nào, Tư có nói cho nó lên theo, nhưng chàng không đồng ý. Bởi vì, chàng cho hành động lên "lấy xác" của Ninh là một hành động mạo hiểm so với lực lượng phòng thủ hùng hậu của địch có bố trí súng thượng liên. Chàng không cho Tư bò theo, là vì nếu chàng có mệnh hệ nào, thì hệ thống liên lạc vẫn còn để cầu cứu.
Thấy Tư nhìn mình với ánh mắt mừng rỡ, Ngà nheo mắt ra hiệu cho Tư biết là chàng không sao.

Mặc dù máu ở trán chảy ra nhiều nhưng thật là kỳ lạ, lúc đó Ngà thấy không đau đớn và vẫn tỉnh táo như thường. Ngược lại, bản tính lãng mạn, trào phúng trong người chàng nhạy cảm đến độ, chàng đã nghĩ thầm: " Nếu mảnh mìn nhích xuống chừng năm ly, thì cái cửa sổ của linh hồn mình đi đoong".

Ngà như thấy rằng mình luôn luôn gặp may, luôn luôn tránh được những mảnh đạn, viên đạn giết người, dù đã tham dự nhiều trận đánh khốc liệt. Ngà nhớ có lần vì "nhân đạo" và cứ bị ám ảnh chuyện má chàng, là người hay ăn chay, niệm Phật, nên một hôm đơn vị của chàng được thảy xuống đồn điền cao su Kompong Cham bên Kampuchia, chàng suýt bỏ mạng. Kỳ đó, toán Viễn Thám của Ngà bắt được một tên người Kamphuchia trong khu vực hành quân. Mấy "đứa em" trong toán của chàng cứ đòi giết để khỏi mắc công canh giữ, vướng tay, vướng chân. Mấy "đứa em" của Ngà cho tên Kampuchia kia là quân Khờ Me Đỏ, tức là Miên cộng, là quân của Thái tử Shihanouk, thay vì là quân của Thủ tướng Lonol theo phe quốc gia . Nhưng riêng Ngà, chàng cho rằng vì ngôn ngữ bất đồng nên chưa xác định được người Kampuchia kia là cộng sản hay quốc gia mà giết họ thì quá tội. Dù rằng lúc bắt được người này, phe ta đã tịch thu được một lưỡi lê loại của súng trường bá đỏ do Trung Cộng sản xuất. Sau một hồi khai thác bằng cách ra dấu, Ngà đã quyết định bịt mắt tên kia dẫn đi vòng vòng mấy tiếng đồng hồ rồi thả hắn cho đi. Ấy vậy, mà tối hôm đó toán Viển Thám của chàng đã lãnh không biết bao nhiêu là đạn pháo kích 122 ly của địch. May mắn là kỳ đó không có ai bị thương nếu không có lẽ Ngà hối hận lắm.

Ngà thấy kể ra những sự may mắn mà chàng đã gặp trong thời kỳ chinh chiến thì rất nhiều. Nhưng rõ ràng một điều là sau trận chết hụt, Ngà nhận ra rằng không thể nào chủ trương nhân đạo được với những kẻ thù…

Tiếng nổ điếc con ráy của loại mìn phòng thủ chỉ làm Ngà đổ máu trán, đối với chàng không phải là điều may mắn đó sao? Nghĩ xong, Ngà xoay người nằm xấp, áp bụng sát đất định trườn ra chỗ gò đất Tư đang nấp. Nhưng cả nửa thân dưới của Ngà cứng đơ như có cả ngàn ký cân dán chặt nó xuống đất khiến Ngà không tài nào nhích tới được. Đến lúc đó, Ngà mới cảm nhận ra sự bất thường của đôi chân. Đến lúc đó, Ngà mới biết hai chân của mình đã tê dại vì trúng mìn. Thấy Tư vẫn núp ở sau gò mối, Ngà vội ra hiệu bảo Tư kiếm người bò lên kéo mình ra.

Khi được thuộc hạ kéo ra đến chỗ an toàn. Người đầu tiên Ngà thấy là Bill. Hắn nhìn chàng lắc đầu, nói gượng gạo:

- Không nặng lắm chứ?

- Chắc không sao đâu.

Nhìn đầu Bill quấn đầy băng. Ngà hỏi:

- Còn anh thế nào?

- Chỉ bị xớt trán, thường thôi.

Bill nói tiếp:

- Tôi nghĩ là tụi mình còn hên. Nguyên trái mìn mà hai đứa chưa chết. Có lẽ mình bò vào không trúng hướng chính diện.

Ngà cuời gượng, nói như mếu:

- Nhưng coi như tôi bị thua chuyến này rồi. Bây giờ mình rút về là vừa.

Chàng quay qua người người y tá:

- Có ai bị thương nữa không Tuấn?

- Chỉ có anh, ông Bill và Dũng... thôi Trung úy, nhưng thằng Dũng bị sơ sơ ở tay em đã băng bó cho nó rồi.

Tư ngồi kế bên nhìn vết thương ở chân Ngà. Tư nói với giọng ái ngại:

- Em nghĩ là anh phải để thằng Tuấn cắt bỏ đôi giầy băng đở vết thương và chích thuốc cầm máu, chớ em thấy gót giầy nát bét như vậy, anh bị không nhẹ đâu!

Không đợi Ngà lên tiếng, Tuấn đã làm phận sự cấp cứu của mình. Khi chiếc giầy được lưỡi dao găm nhà binh rạch đôi mắt Ngà hoa lên vì những mảnh xương vụn của gót chân lẫn lộn, chan hòa với máu đỏ bầm sền sệt . Tuấn chích liên tiếp hai mũi thuốc tê quanh vùng vết thương. Nó chích thuốc cầm máu rồi dùng dao rạch luôn chiếc giầy chân phải.
So với chân trái bàn chân phải của Ngà nhẹ hơn. Với một mảnh mìn bằng hột đậu nằm trệch phía dưới mắt cá, nhưng máu cũng chảy lai láng đọng thành vũng trong giầy.

Nhìn vết thương nơi hai chân của mình và nghĩ đến giòng máu đặc quánh chảy dài từ mí mắt trái xuống gò má. Tự nhiên, Ngà mơ hồ thấy đời sống và hình hài con người hoang vu môt cách kỳ cục. Chàng nói với mấy đứa em :"Tao thèm thuốc quá! Đứa nào có cho tao một điếu". Tư ngồi kế bên vội móc túi lấy ra điếu Lucky và mồi lửa. Ngà kéo những hơi thuốc thật dài và nhắm mắt lại. Chàng cố lắng nghe từng bước đi của... hơi khói vào lồng phổi giữa sự run rẩy của cơ thể bắt đầu cảm nhận được cơn đau. Hút hơi thuốc xong, Ngà nói với Bill:
- Bây giờ mình về! Anh gọi radio nói với tụi Cobra đánh chận hậu để giữ an toàn cho tụi mình rút. Tôi nghĩ tụi Việt Cộng chó chết này chưa chắc đã dám rượt theo nhưng mình phòng xa vẫn tốt hơn. Anh nói tụi Cobra bắn tối đa phía sau mình nhe, khoảng ba trăm thước ... Cở đó đủ rồi, O.K?!

- O.K!

Gật đầu xong, nhìn hai chân và đầu Ngà đầy băng trắng, Bill nói:

- Tôi đã báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiền Phương là anh bị thương nặng và xin trực thăng tải thương rồi. Trực thăng sẽ tới bãi đáp cách đây hai cây số trong vòng 15 phút nữa. Anh nói mấy đứa em cõng đi cho lẹ mới kịp.

Hiền đứng kế bên lên tiếng:

- Để tôi cõng anh.

Ngà gật đầu rồi để người hạ sĩ già xốc lên lưng và không quên dặn thằng Tư lấy hai chiếc giầy sô bị rạch nát và chiếc nón vải đầy máu để chàng đem về làm kỷ niệm.
Trước khi rời vị trí chiến trường Bill cầm tay chàng thành thật nói:

- Tôi chịu lối cư xử của anh đối với em út lắm.

- Cám ơn.

Bill an ủi:

- Tôi nghĩ chân anh không sao đâu.

- Tôi cũng hy vọng không đến đổi nào.

Ngà đưa mắt nhìn về phía Ninh nằm lần cuối tự nhiên thấy nghẹn ngào. Chàng gục mặt vào lưng áo màu hoa rừng của Hiền để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Vừa cõng Ngà trên lưng chạy ra bãi trực thăng Hiền vừa cằn nhằn:

- Tui đã nói với ông rồi mà hổng chịu nghe. Còn một chút nữa là bỏ mạng rồi thấy không?

- Câm mồm chú lại đi.

- Bộ tôi nói không phải sao?

- Phải! Chú nói sai rồi!

Người hạ sĩ già có vẻ tức giận anh ta nói cầu nhầu trong miệng tỏ thái độ bất mãn. Thấy vậy, Ngà bực trong lòng không kém nên bực bội gắt:
- Chú bỏ tôi xuống ngay để thằng khác cõng. Chú không hiểu gì cả... chú không hiểu tôi gì ráo. Tại sao cõng tôi đi mà cứ cằn nhằn hoài vậy? Nói đi! Nói tôi nghe! Chú có giận tôi về trận đòn dạo nào trong rừng Damber không?

Vừa xốc Ngà lên lưng cho khỏi tuột Hiền đáp gọn lỏn, cộc lốc:

- Không giận!

- Không! Thì đừng cằn nhằn tôi về vụ thằng Ninh nữa.

Người hạ sĩ già làm thinh. Anh ta cõng Ngà đi trong rừng mà như chạy. Vừa đi Hiền vừa phải vẹt đường lánh né cỏ cây, gai góc, nên người Hiền uốn khúc như con rắn nhiều lúc làm Ngà muốn tuột xuống đất. Thỉnh thoảng Hiền dừng bước xốc Ngà lên cho vững. Mỗi lần như vậy, Ngà cảm thấy đau nhói nhưng vẫn không lên tiếng phàn nàn.

Nằm bám chặc trên lưng Hiền, Ngà nghĩ đến người hạ sĩ nhứt già này rất nhiều. Anh ta là người lớn tuổi nhứt trong toán do Ngà chỉ huy. Trong đơn vị của Đại Đội I Trinh Sát, Sư đoàn Dù, Hiền là người gần gủi thân chàng hơn ai hết. Nhiệm vụ của anh là lo cơm nước, căng võng, đào hầm cho chàng lúc đơn vị đóng quân, nên được anh em gọi đùa là "Già J". "J" là con Tây bồi trong bộ bài năm mươi hai lá.

Sự gần gủi, thân mật coi nhau như anh em giữa Ngà và Hiền đôi lúc đã khiến Ngà nghĩ Hiền có những hành động ỷ lại một cách quá trớn. Điều này, không biết có đúng hay không, nhưng có một chuyện đã xảy ra buộc Ngà đã nghĩ như vậy.

Một hôm, lúc Ngà còn là một Trung đội trưởng Trinh sát, sau khi đến vị trí đóng quân và phân chia nhiệm vụ phòng thủ cho các tiểu đội xong, Ngà dựa góc cây ngồi nghỉ, mắt nhìn lơ tơ mơ chung quanh.

Cảnh rừng già vào buổi trưa thật vắng lặng, buồn bả. Chim rừng hình như mệt mỏi cũng không buồn hót. Ngà lim dim nhìn bầy sóc đang âm thầm đuổi bắt nhau trên ngọn cây cao mĩm cười. Và thiếp đi hồi nào không hay. Khi giựt mình mở mắt Ngà thấy chung quanh mình vắng hoe, im lìm một cách rùng rợn. Chàng nhìn ra chỗ điểm gác không thấy một bóng người. Ngà hốt hoảng không biết chuyện gì xảy ra vội nhổm dậy xách cây M. 16 để kế bên đi tìm mấy đứa em. Ngà tức muốn ói máu! Chàng giận đến run người khi thấy họ đang chụm đầu vào nhau chơi bài xập xám trong một bụi cây. Không giữ được bình tỉnh, Ngà chỉa súng lên trời bắn liên hồi miệng nói như thét:

-Tụi bây muốn chết tao cho chết, thiệt quá sức tưởng tượng!!!

Tiếng nổ làm những người đang chơi bài giựt mình chạy toán loạn. Thấy Hiền đang cầm bộ bài trên tay, Ngà hỏi bộ bài của ai. Hiền đáp của hắn. Ngà giựt bộ bài trên tay Hiền, xé nát ra t ừng mảnh. Chưa nư giận, Ngà còn bắt Hiền đứng ra hai tay ôm một góc cây cạnh đó và đánh cho mấy chục cái. Bất chấp hậu quả ra sao. Chàng nhìn đám thuộc hạ đứng lấp ló trong các bụi cây chung quanh, giận dữ nói:
- Thật tao không ngờ tụi bây quá đáng như vậy. Bỏ gác... Hừ! Thật vô lý! Sao lại khinh địch quá như vậy! Ghiền quá như vậy? Tụi bây nên nhớ là đang đi hành quân, chớ không phải đang ở tại hậu cứ chớ. Tao biết tụi bây không sợ chết, tụi bây bất cần và coi cái chết như pha. Nhưng còn vợ, còn con tụi bây ở nhà thì sao? Trả lời đi?..

Và Ngà nói tiếp một hơi dài:

- Tao đánh thằng Hiền như đánh một con thú đó. Nếu tụi bây cho là sai, cho tao tàn nhẫn thì cứ đợi dịp giao tranh với địch mà ra tay để trả thù. Tao đi trước tụi bây đi sau. Dễ mà! Không ai biết đâu. Tao đợi đó! Và tao muốn tụi bây đối xử với tao như vậy để tỏ thái độ căm thù. Còn nếu như không đủ can đảm giết tao để tao còn sống, thì từ nay về sau tao không muốn chuyện như ngày hôm nay xảy ra lần thứ hai.

Nói tới đó Ngà ứa nước mắt đổi giọng:

- Tôi chỉ mong các anh hiểu khi tôi nói những lời hằn học hay ra tay nặng với Hiền, là tôi đang khóc trong lòng. Tại sao các anh lại để tôi đối xử với mình như vậy? Cũng là người như nhau mà! Tại sao lại có chuyện người này đánh người kia một cách phủ phàng như vậy? Đ.M... thử hỏi tôi là cái con c... gì mà làm phách, hách dịch. Cởi quần, cởi áo ra tôi cũng là con người như các anh mà. Về nhà tôi cũng có vợ, có cha, có mẹ, có anh chị em, bạn bè như các anh mà. Có khác gì đâu? Đ.M... bất quá thằng này được may mắn hơn các anh là sanh vào một gia đình có điều kiện để đi học tới nơi tới chốn, đi lính thì làm quan, chớ hay ho gì mà làm tàng. Tôi làm quan không có nghĩa là có tư cách hơn thằng lính, ngon lành hơn thằng lính. Và không biết cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm như các anh đâu?
Tư cách của một người không thể dựa trên lon lá, địa vị, học thức hay vô học đươc. Với tôi hai lãnh vực này khác nhau. Nhưng kỹ luật quân đội không thể nào không giữ nghiêm minh được. Bỏ gác là một hành động không thể tha thứ được. Các anh phải biết và nhớ như vậy. Nói xong, Ngà hằn học ra lệnh di chuyển đi nơi khác. Vì điểm đóng quân đã bị lộ.

Vừa nằm trên lưng Hiền vừa nghĩ đến chuyện cũ, Ngà thấy lòng buồn man mác. Chàng không hề thấy hối hận khi đánh thuộc cấp của mình vì chàng đâu có cố ý làm nhục họ hay cảm thấy sung sướng hãnh diện khi làm như vậy. Tất cả đều là sự bắt buộc bất đắc dĩ. Suy nghĩ này, những người làm lính, làm quan trong quân đội, nhưng không phải là thứ đánh trận và hàng ngày phải đối đầu với cái chết thì chưa chắc đã nhận ra.

Những "đứa em" trong đơn vị của Ngà, thỉnh thoảng họ bày ra cảnh bình yên trong rừng thẳm qua lối cờ bạc dã chiến để quên hết những bất trắc. Nói ra có vẻ như là vô kỹ luật khó có tin nhưng sự thật vẫn có. Nói một cách khác. Nếu cứ đem những nguyên tắc bình thường để phê phán về các hành động của những người sống trong một môi trường không bình thường thì không bao giờ đúng được. Ngà luôn tự hào sau khi tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức mình đã may mắn là một chiến sĩ trong một binh chủng luôn luôn đem đến sự bình an cho thôn xóm và tin yêu trong lòng các binh chủng bạn.

Không những đối với Hiền mà đối với thằng Ninh, thằng Tư hay những thuộc hạ khác. Ngà đều có những kỷ niệm khó quên với họ. Như thằng Ninh đang bị Ngà bỏ lại chiến trường lúc ở hậu cứ tại "Suong" bên Kampuchia, một bữa uống uống rượu say, nó đã rút chốt lựu đạn đòi cưa hai với thằng Sáu Sún vì trước đó nó đánh bài thua sạch tiền.

Hôm đó, Ninh uống ba xị đế là có hơi nhiều. Cầm trái lựu đạn trên tay, nó đi kiếm thằng Sáu Sún quanh hậu cứ. Sự việc xảy ra làm Ngà hết sức bối rối vì Ninh là "em út" trong toán Viễn Thám chàng có trách nhiệm. Nguy hiểm ở chỗ là Ninh đang say, nó có thể làm rớt trái lựu đạn bất cứ lúc nào. Và nó sẽ bị lựu đạn nổ làm banh thây, chớ có thằng Sáu Sún đi cạnh đâu mà Ninh đòi cưa hai với nó.

Ngà nhớ khi hay tin thằng Ninh bắt đầu làm "trò khỉ", chàng đã lẽo đẽo theo sát bên nó vừa vỗ về vừa an ủi, vừa năn nỉ hứa đủ thứ cho nó xiêu lòng mà trao trái lựu đạn cho chàng. Đồng thời trong bụng rất hồi h ộp và luôn để ý canh chừng nếu thằng Ninh sút tay làm rớt trái lựu đạn thì chàng sẽ chụp ngay và cố ném thật xa về phía hàng rào để tránh những tổn thất có thể xảy ra. Ngà cảm thấy bực bội khi nghĩ sẽ bị cấp trên quở trách, là không kiểm soát nghiêm nhặt thuộc cấp để họ đánh bài, uống rượu làm những chuuyện bê bối.

Không biết có phải Ninh nghe lời Ngà thuyết phục bùi tai hay không hoặc là sau một hồi làm nư vì men rượu nó… hành. Ninh đã nhận ra sự dại dột của mình nên sau đó ngoan ngoãn đưa trái lựu đạn cho Ngà. Ngà cầm trái lựu đạn bóng láng trên tay, xỏ cây chốt được chuẩn bị sẵn vào lỗ an toàn và đút gọn vào túi quần.

Tối hôm đó, thằng Ninh bỏ gác vì còn ngà ngà say. Và sáng hôm sau khi tỉnh rượu nó có đến xin lỗi Ngà. Ngà thuyết pháp cho nó nghe về cái trò đòi "cưa hai" lựu đạn đã quá xưa rồi. Nhưng chàng không quên kêu hạ sĩ nhứt Hiền "dần" cho Ninh 10 đòn vào đít để nhớ đời.

Câu chuyện xảy ra ở Kam puchia nhưng ba tháng sau Ninh chết khi về đến Việt Nam. Ninh đã chết trong rừng chiến khu D, Bùi gia Mập biên giới Việt - Miên trong chuyến đặc nhiệm "Diều Hâu" do Ngà chỉ huy để đi tìm chiếc trực thăng Mỹ bị quân địch bắn rơi gần rừng Minh Thạnh, Bình Long…

Còn thằng Tư truyền tin thì một hôm hành quân ngang qua một làng bên Kampuchia lại làm... ẩu. Trước khi vào làng, Ngà đã dặn các thuộc hạ là không được phá phách tài sản của dân chúng dù rằng họ là người Kampuchia. Và nhứt là không được giở cái trò "trả thù dân tộc". Vì trước đó quân Kamphuchia đã "cáp duồn" quá nhiều dân Việt Nam ở vùng Chẹt Sậy và Tịnh Biên, Châu Đốc. Ngà cho việc quân của Thủ tướng Lonol làm bậy là sự sai trái của họ. Còn tuyệt đối những người lính của QLVNCH - nhứt là những Thiên Thần Mũ Đỏ không bao giờ có hành động thất nhân tâm với người dân láng giềng Kampuchia.

Khi được dặn thì ai nấy cũng hứa tuân theo. Nhưng sau đó, tới nơi đóng quân tại bìa làng trong buổi cơm chiều Ngà rất ngạc nhiên khi Tư đưa cho chàng ... một miếng đùi gà và hai cái trứng luộc còn nóng hổi. Ngà chưa kịp lên tiếng thì Tư đã nói chận họng:

- Em thấy anh ốm quá và hơn nữa mình hành quân trong rừng đã lâu ngày rồi, thiếu chất tươi nên lúc trưa đi ngang căn nhà sàn thấy ổ gà nằm ngon quá, em đã bợ luôn ổ gồm cả “mẹ lẫn con” về để anh tẩm bổ. Em không bợ, tụi nó cũng bợ… à!!!

Nói xong, Tư nhìn Ngà cười hì hì như thách thức Ngà khiển trách nó. Nghe Tư phân trần như vậy, Ngà chỉ còn nước cúi mặt làm thinh... cầm thịt gà lên ăn và bóc trứng gà luộc lên nhâm nhi. Nhưng Ngà không quên lắc đầu và nói nho nhỏ, nhưng không biết thằng Tư có nghe không: “Lần sau đừng như vậy nữa...”

Và còn nhiều và nhiều kỷ niệm nữa giữa chàng và những người anh, em cùng chiến đấu bên cạnh chàng và bên cạnh cái chết trong đời quân ngũ của mình.

Chiếc phi cơ trực thăng đáp xuống bãi đáp thật nhanh giữa rừng thẳm. Ngà được khiêng bỏ lên trực thăng thật lẹ. Chiếc trực thăng bốc lên khỏi mặt đất và lạng nghiêng sát ngọn cây để rời bãi đáp. Khi phi cơ tải thương đã bay ra đến vùng an toàn. Người quân y Mỹ nhìn vết thương của Ngà chắt lưỡi, suýt xoa, đầu anh ta lắc lắc tỏ ý lo ngại. Thấy vậy, Ngà lên tiếng hỏi:

-Anh nghĩ thế nào về vết thương của tôi. Liệu có nặng không? Có thể bị cưa chân không?

Tiếng cánh quạt và tiếng cạch cạch của động cơ dội vào bên trong, nên không biết người quân nhân Mỹ có nghe Ngà hỏi hay không mà làm thinh không trả lời. Anh ta lúi húi chích cho chàng hai một mũi thuốc mà Ngà đoán là thuốc cầm máu và thuốc giảm đau.
Gió lạnh theo hai bên cửa phi cơ lùa vào khiến Ngà run lên bần bật. Người y tá vói tay lấy cái mền để trên trần phi cơ đắp lên cho chàng. Bây giờ, Ngà mới mới thấy cả cơ thể đau nhừ, cứng đơ, hai mí mắt nặng chĩu.

Khi phi cơ nghiêng nghiêng, Ngà liếc mắt nhìn ra cửa thấy ánh sáng chói lòa từ xa ở phía dưới. Chàng đoán đó là Sài gòn. Sài gòn về đêm trên phi cơ nhìn xuống đẹp lắm, đẹp lắm, với ánh đèn màu lấp lánh như muôn ngàn vì sao. Ngà liên tưởng đến vết thương của mình, nghĩ đến thằng Ninh đang nằm bất động tại rừng Bùi gia Mập, đến những chiến binh đang băng rừng lội suối cách xa vùng ánh sáng muôn màu kia không đầy ba mươi cây số đường chim bay thấy bùi ngùi trong lòng. Thì ra, chàng và những chiến binh khác của mọi quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải đổ máu đào, phải để cho xương rơi hay ngã chết trước súng đạncủa quân thù để cho những ánh đèn thủ đô và phố thị không bị lụi tàn, tắt phụp. Ngà nhớ đến bài hát "Kỷ Vật Cho Em" mở đầu với câu: "Em hỏi anh bao giờ trở lại... Xin trả lời mai mốt anh về...". Nhưng, sau đó thì:"... anh trở về trên đôi nạng gỗ... anh trở về nay đã cụt chân… "Bài hát này mới nghe thì rất hay. Nhưng nghĩ lại, làm nản lòng chiến sĩ không ít. Nó phản chiến làm sao. Cho dù hình ảnh anh trở về nay đã cụt chân là sự thật. Ngà nghĩ ngay đến một cuộc chiến mà trong đó mình và các bạn bè cùng lứa tuổi tham dự vào với nhiều thiệt thòi. Trong lúc, phần lớn những người khác hình như họ coi việc chống Cộng, việc bảo vệ quê hương trước làn sóng xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt là trách nhiệm của quân đội mà thôi!


Những ngày về nằm điều trị tại bịnh viện Đỗ Vinh của Sư đoàn, ngày nào chàng cũng theo dõi tin tức tại chiến trường nơi chàng đã bỏ Ninh ở lại. Hành lang bịnh viện Đỗ Vinh đã trở thành dãy giường bịnh khi chiến trường Mùa Hè Đỏ Lửa mở màn với những trận tấn công của địch. Buổi chiều Ngà thường chống nạng đứng dựa lan can trên lầu bịnh viện nhìn xuống sân coi đánh bóng chuyền.

Theo lời kể của Trung sĩ Thành thì chỗ chàng bị thương là một bịnh viện dã chiến của V.C thuộc công trường 7 Cộng Sản Bắc Việt. Đây là hậu cứ quân y của quân Bắc Việt đang mở trận đánh tại tỉnh Bình Long. Thành nói rằng, sau khi chàng được trực thăng bốc về sư đoàn đã thảy hai Tiểu đoàn vào càn quét mục tiêu. Qua một ngày một đêm giao tranh lực lượng hành quân đã san bằng trận địa và tịch thu được khá nhiều vũ khí cùng với một số đạn dược quan trọng. Riêng trường hợp Ninh thì Thành cho biết đã lấy được xác, nhưng mặt mũi và nơi ngực áo có huy hiệu "con đại thử" của Ninh đã bị VC dùng dao đâm nát. Và nơi dương vật của Ninh đã bị quân Việt Cộng gian ác dùng mảnh tre nhỏ như chiếc đũa đâm thấu vào lỗ ở giữa với mảnh giấy ghi mấy giòng chữ: "Đây là bản án dành cho bọn Do Thám Sài Gòn".

Nằm điều trị tại bịnh viện Đỗ Vinh của sư đoàn hơn 4 tháng liền, vết thương của Ngà vẫn không lành miệng. Mủ độc, nước vàng, cứ chảy ra hàng ngày và tình trạng càng thêm trầm trọng nên sau đó chàng được đưa sang bịnh viện dã chiến Trần ngọc Minh nằm trên đường Lữ Gia, cạnh trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ. Nằm ở đó không lâu, Ngà được đưa về điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Khi về Tổng Y Viện Cộng Hòa trong ngày đầu tiên thay băng vết thương, sau khi giới thiệu với Ngà mình tên là Hạnh, cô nữ y tá nhìn Ngà nheo mắt nói:

-Ở đây gần "Ngã Ba Chú Ía" lắm anh có muốn bị cưa chân thì lén trốn ra đi đến đó. Không có ai cản anh đâu. Tôi nói trước không nghe thì có gì đừng trách nhe!... Tôi nói thiệt cái này kỵ mấy cái vụ đó lắm đó...

Ngà giả bộ không hiểu hỏi:

- Tôi không biết cô nói cái đó là cái gì. Và cái này kỵ cái vụ kia là kỵ làm sao, tôi không hiểu!

Hạnh nghiêm mặt:

- Tôi nói thật, không phải đùa đâu! Anh phải cẩn thận! Chớ bị thương xương kỵ ba cái vụ đó lắm.

Ngà vẫn lấp lửng:

- Tôi đâu có đùa với cô hồi nào đâu? Tôi hỏi thật mà! Cái vụ đó là vụ gì chớ?
Nói xong, Ngà nắm tay cô y tá. Để trả lời, Hạnh dùng kìm ngoáy mạnh miếng băng vào vết thương để "thông nòng" gót chân cho Ngà. Ngà đau điếng, toát mồ hôi hột giữa tiếng cười khúc khích của Hạnh.

Ngà nhớ lại khúc phim dĩ vãng của mấy mươi năm về trước chép miệng than thầm.
Chàng tưởng hai mươi hai năm qua vết thương đã lành hẳn. Ai ngờ đâu nó lại tái phát và hành hạ chàng suốt mấy tháng nay. Ngà nhớ có một hôm vì đi vội vàng gót chân của chàng bị chạm vào cạnh bàn. Chàng tưởng nó chỉ sưng tấy lên rồi thôi. Ai ngờ sau đó khi chàng dùng mũi kim nạy mài phía ngoài thì mủ từ trong trào ra lai láng. Ngà hơi hoảng hốt nhưng bản tính quen chịu đau, chàng bặm môi dùng kéo khoét cho miệng vết thương rộng ra. Ngà ngạc nhiên đến độ sửng sờ khi thấy vết thương làm mạch lươn từ lâu mà mình không hay. Nhìn cái lỗ sâu hóm hơn hai phân, Ngà biết vết thương đã âm thầm trở lại một cách nguy hiểm chớ không phải là chuyện đùa. Chàng nhớ tới lời của cô y tá Hạnh thuở nào. Nhớ đến những chung đụng xác thịt nam, nữ thấy lòng hoang mang. Ngà đem tâm sự này nói cho bè bạn nghe. Có người an ủi và đã nói với chàng không sao đâu. Có người thì nửa đùa nửa thật, hù, là không khéo thì mày sẽ bị cưa cụt giò làm… Tôn Tẫn.

Ngà cảm thấy an tâm với những lời bạn bè đã nói với chàng những câu đại khái như: "Nhằm nhò gì ba cái thứ lẻ tẻ thuộc về xương ở cái xứ mà kỹ thuật y khoa đã lên đến tột đỉnh này. Cái gót chân của mày vào bịnh viện họ nạo chừng ba mươi giây là xong... Đừng lo! Còn kịp mà... Nhìn cái chân của mày còn ngon lành như vậy, bác sĩ họ không đành cưa ngang đâu..."

Ngược lại Ngà thấy mất ăn , mất ngủ vì những lời phát ngôn: "Thôi, tiêu rồi! Chân của mầy nó làm mạch lươn. Vi trùng đã ăn vô tới tủy rồi. Không khéo mầy bị cưa luôn tới háng cho coi. Hên lắm thì cưa tới ống quyển... Cái chân của mày ở ngoài coi vậy, chớ bên trong đã thúi hết rồi... "

Những lời bàn ra, tán vào, dù nói tốt hay nói xấu đều làm Ngà hoang mang đầu óc, mất ăn, mất ngủ. Để cho tiện việc vào nạo xương tại bịnh viện Basscom, Ngà đi khám trước tại một văn phòng bác sĩ tư. Ông bác sĩ tư đã cho chàng toa thuốc trụ sinh và loại thuốc thoa ngoài da, nhằm ngăn chận sự phát triển của vi trùng. Nhờ uống và thoa thuốc trong khi chờ đi bịnh viện vết thương của Ngà liền da. Tuy vết thương không còn chảy mủ, nhưng chàng cảm thấy bất an, khi nghĩ đến cái mạch lươn còn núp bên trong.
Khoảng thời gian chờ tới ngày đi nhà thương khám là khoảng thời gian Ngà khủng hoảng vô cùng. Lúc nào Ngà cũng thấy cái hình ảnh cụt giò lởn vởn trong đầu. Nhiều lúc chàng ngồi thừ nơi phòng khách như người mất hồn, giữa tiếng ồn ào của cái Tivi mà cả nhà đang ngồi coi.

Tuy việc khám nghiệm của bác sĩ tại bịnh viện chưa xảy ra, nhưng những yếu tố khách quan và chủ quan do sự bàn tán của những người chung quanh đã làm Ngà muốn điên lên. Ngà có tâm trạng muốn thường xuyên gặp những người đã nói những lời đầy tin tưởng vào nền khoa học tiến bộ để được yên tâm hơn. Và có ý không thích và xa lánh đối với những người đã nói những lời thất lợi về vết thương của mình. Ngà ứa nước mắt và cảm thấy buồn vô tả khi nghĩ đến ngày phải dùng chân gỗ. Tâm trạng mất và còn của những gì thuộc về thân thể con người, đã làm Ngà choáng váng đầu óc, buồn bả mất vui.

Khi tỉnh táo Ngà cho rằng, nếu mãi tới hôm nay chàng mới bị cưa chân thì so với những đồng đội, anh em khác cùng trưởng thành giữa loạn ly chàng vẫn còn may mắn hơn họ nhiều. Không chết trong chiến trận là một may mắn. Không bị cụt hai tay, cụt hai chân, đui hai con mắt như chàng đã nhìn thấy lúc còn đang nằm điều trị tại viện Cộng Hòa cách nay hơn hai mươi năm về trước, không là điều may mắn hơn người sao? Nên hôm nay, chàng có mất đi một phần cơ thể cũng đâu có gì phải hối tiếc. Ngà thấy vui vui trong bụng với ý nghĩ này. Và không thèm để ý tới vết thương nữa.

Người bác sĩ Mỹ đưa tấm hình lên đèn rọi, xem xét một lúc rồi nói:

- Xương gót chân còn tốt lắm! Bị nhiễm trùng ngoài da. Không có dấu hiệu bị nhiễm trùng xương.

Nói xong, ông ta nắn nắn chung quanh vết thương, rồi hỏi Ngà cảm thấy thế nào. Ngà trả lời đau lắm. Ông bác sĩ nắn mạnh tay hơn và lại hỏi:

- Đau lắm không?

- Đau lắm bác sĩ!

- Không sao đâu, vết thương mới lành mà.

- Bác sĩ có đọc thơ của bác sĩ Nguyễn chưa? Trong đó ông Nguyễn có nói rõ về trường hợp làm độc cái chân của tôi.

- Ổng nói là có mạch lươn. Nhưng theo tình trạng bây giờ, tôi thấy lành rồi, thì tôi đâu trị bằng cách nào khác hơn.

Ngà có vẻ thất vọng với lối giải thích của ông bác sĩ Mỹ này. Chàng cố nói để ông ta nhận định đúng mức hơn về vết thương của mình:

- Bác sĩ nghĩ có phải "clean up" nó không? Mỗi ngày vào buổi tối tôi nhức nhối vô cùng. Nhức nguyên cái chân bác sĩ biết không? Tôi cảm thấy không yên với cái chân này. Tôi sợ bị cưa lắm.

- Tôi biết! Bị mạch lươn là điều nguy hiểm, đúng. Nó có thể dẫn tới tình trạng cưa chân nếu không phát giác kịp thời. Tuy nhiên trong trường hợp của anh thì tấm hình cho thấy xương chưa có triệu chứng bị mục mà.

Ngà nài nỉ:

- Tôi đề nghị là bác sĩ cứ cho tôi giải phẩu đi. Mỗ ra thì bác sĩ sẽ thấy bên trong thế nào. Chớ nó làm tôi khó chịu lắm. Bác sĩ biết không?
- Không được đâu!

- Sao vậy, bác sĩ?

- Trị bịnh phải từ từ chớ đâu hấp tấp được. Lỡ khi tôi mỗ chân anh ra không có gì thì sao?

Rồi ông ta quyết định:

- Thôi như vầy! Bắt đầu hôm nay, anh ngưng uống thuốc của bác sĩ Nguyễn cho. Tôi cho anh cái hẹn một tháng sau trở lại. Trong khoảng thời gian một tháng nếu vết thương làm độc thì cấp tốc vào phòng cấp cứu không đợi tới ngày hẹn. Chừng đó tôi sẽ giải phẩu cho anh liền. Nhớ vậy nhe, O.K?

Không biết phải nói vì hơn Ngà chỉ còn nước gật đầu O.K và rời bịnh viện.

Ngà rất thất vọng về lời tuyên bố của bác sĩ Charles tại bịnh viện Basscom. Nhưng chàng cũng thấy an lòng đôi chút vì biết xương chưa bị nhiễm trùng. Chàng tạm quên cái hình ảnh bị cụt giò mặc dù gót chân cứ thỉnh thoảng nhói đau, buốt cứng. Để không nghĩ đến vết thương, Ngà lăn xả vào những công việc hàng ngày một cách không mệt mỏi khiến những người quen biết phải ngạc nhiên. Ai cũng tưởng chàng đã trải qua một cuộc giải phẩu đâu vào đó rồi nên hăng hái. Nhưng chừng khi được chàng cho biết không phải vậy, mọi người lắc đầu tỏ dấu lo ngại. Sự hỏi han, lo ngại của bè bạn khiến Ngà thấy vấn đề đang được chàng quên lại có dịp sống dậy.

Không biết có phải vì bị ám ảnh hay không mà tối nào Ngà cũng thấy chân mình càng ngày càng nặng hơn. Chàng như thấy có hàng ngàn con lươn nhỏ như con giun đang ăn luồn sâu từ từ bên trong tủy xương. Và nó qua mặt được hệ thống chụp hình bằng quang tuyến của bịnh viện Basscom, đến độ các ông bác sĩ cũng không biết. Ngà nhớ lại lời ông bác sĩ bịnh viện nói phải chi vết thương của anh có mủ tôi thấy được thì dễ trị rồi, lòng chán nản vô cùng. Thì ra cái gì cũng có bằng chứng người ta mới tin. Ngày nào, Ngà cũng dòm chừng đến vết thương và mong cho nó đổ mủ ra. Chàng mong nó làm độc đến độ hành hạ vết thương bằng cách cọ sát, đi đứng, cố tình chạm vào vật cứng với ý định làm cho vết thương bưng mủ nhưng nó vẫn trơ trơ và âm ỉ buốt nhức.

Ngày hẹn tái khám với bác sĩ Charles chưa tới. Vết thương nơi gót chân của Ngà ngày càng kéo da. Lớp da mỗi ngày mỗi dầy thêm và cơn nhức từng chập từng chập hàng đêm vẫn kéo về. Ngà biết chắc là chân mình vẫn ở trong tình trạng báo động, nhưng những công việc hàng ngày cần phải giải quyết không cho phép Ngà cứ mãi ưu tư về vết thương của mình. Ngà chợt nhận ra sự khổ đau, sự buồn rầu, sự lo lắng hay hạnh phúc của con người không ai đem đến biếu cho mình mà tùy vào ý niệm của bản thân. Như Ngà đây! Đối với sự mất còn của một phần thân thể. Nếu là điều không tránh được, thì tại sao chàng cứ lo nghĩ làm quái gì cho mệt.

*Đặng thiên Sơn
(Nhảy Diều Hâu/mật khu Bùi Gia Mập biên giới Việt - Miên 1972)

30- 4 -1975, ngày bức tử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

*Đặng thiên Sơn


Sau Hiệp Định Genève với nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, những nước nhược tiểu bị cường quốc thống trị lần lượt được trao trả độc lập. Vào thời điểm này, Việt Nam chia thành hai quốc gia. Miền Bắc theo Chủ nghĩa Xã hội. Miền Nam theo Chủ nghĩa Tư bản.

- Để chuẩn bị cho việc nhuộn đỏ thế giới, Liên Xô và Trung cộng dùng Cộng sản Bắc Việt làm tên xung kích tại mặt trận Đông Nam Á .

Tuân theo chỉ thị của quan thầy, tập đoàn cộng sản Bắc Việt xua quân xâm lăng miền Nam gây nên cảnh máu đỗ thịt rơi, nhà tan, cửa nát cho nhân dân hai miền Nam B?c trong suốt 1/4 thế kỷ.

- Để ngăn chận hiểm họa cộng sản, Hoa Kỳ chọn miền Nam Việt Nam làm tiền đồn chống cộng của thế giới tự do. Với tiềm năng kinh tế dồi dào, Hoa Kỳ phát triển lý thuyết tư bản-tự do-dân chủ qua con đuờng viện trợ kinh tế như một thứ vũ khí, khuyến khích chính quyền miền Nam đương đầu với ý đồ đen tối của khối cộng sản.

Chính nghĩa thuộc về ai?!
Từ chế độ Quân chủ Lập hiến bước qua chế độ Tự do - Dân chủ một cách đột ngột thiếu chuẩn bị nên hầu hết dân chúng Việt Nam không ý thức rõ ràng về mức độ dân chủ theo quan điểm kiểu tây phương. Trong khi ấy, nhứt là ở nông thôn mọi người chưa thấy rõ bộ mặt thật của Cộng sản. Cho nên ý thức chống Cộng của họ thật mù mờ. Điều này đã khiến chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn không nhỏ trong việc dân chủ hóa Miền Nam. Một nước mà Hoa Kỳ muốn biến thành đồng minh trong thế chiến lược, để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản.

Vì muốn chiến thắng cộng sản và luôn phô trương sức mạnh của mình, Hoa Kỳ thường hay trực tiếp nhúng tay vào nội bộ các quốc gia họ giúp đở. Sự kiện này đã bị cộng sản lợi dụng để bóp méo sự thật về cuộc chiến tự vệ, bảo vệ chính nghĩa của quân dân miền Nam. Cộng sản Bắc Việt đã biến cuộc chiến tranh xâm lược của bọn chúng, thành cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước”.

Không muốn tạo điều kiện để CSBV tuyên truyền láo khoét làm sai lạc ý nghĩ cuộc chiến đấu tự vệ của quân dân Miền Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm từ chối -không chấp nhận sự can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ vào chiến cuộc Việt Nam. Ông chỉ yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ kinh tế, vũ khí đạn dược và cố vấn để Việt Nam Cộng Hòa đủ sức bình định nông thôn, tiêu diệt đứa con đẻ của CSBV là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Quốc Sách Ấp Chiến Lược của TT. Diệm đã làm tê liệt các cơ sở hạ tầng của Việt cộng, khiến chiến thuật “lấy nông thôn bao vây thành thị” của cộng quân gặp nhiều khó khăn

Vĩnh biệt Tổng Ngô đình Diệm.

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1963, Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy đã nói huỵch toẹt với

giới truyền thông: "Người Mỹ đến Việt Nam không phải để giúp ông Diệm mà họ có mặt tại Việt Nam là để phục vụ chính quyền lợi của nước Mỹ và cũng để chứng tỏ cho Liên Xô và Trung Cộng thấy rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chống lại các cường quốc cộng sản tại bất cứ chỗ nào trên mặt địa cầu. Nếu anh em ông Diệm không để cho người Mỹ thực hiện ý định của họ thì Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm những người Việt Nam khác sẵn sàng đáp ứng quyền lợi của Mỹ". (Theo The Pentagone Papers, do nhà phát hành The New York Times, năm 1971, trang 190)

Với tinh thần yêu nước cực đoan, thiếu uyển chuyển không muốn quân đội Hoa Kỳ có mặt tại chiến trường VN. Và với sự cố vấn của ông Ngô đình Nhu, lúc ấy, đang lén lút liên lạc với CS Bắc Việt bàn thảo giải pháp Trung Lập Hóa Miền Nam không như ý Hoa Kỳ mong muốn nên Tổng thống Ngô đình Diệm đã bị đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Nhân chứng bên cạnh TT. Diệm tới giờ phút chót kể lại, thì các tướng đảo chính đã hứa là sẽ bảo đãm an toàn cho ông rời khỏi nước. Nên Tổng thống Diệm chẳng những không ra lệnh kháng cự lại mà còn nói với vị Chỉ huy phó Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ rằng: “Nếu các anh em đánh, quân đội cả hai đều chết. Thà là giết cộng sản. Nếu ta chiến đấu thì chiến đấu chống cộng sản. Dành đạn mà giết cộng sản”. Đối với cái chết của ông Ngô đình Diệm và người em là ông Ngô đình Nhu, tướng Dương văn Minh, người chỉ huy đảo chính đã công bố là hai anh em ông Diệm tự sát. Tuy nhiên qua phóng ảnh do phóng viên ngoại quốc chụp được người ta thấy TT. Diệm và ông Ngô đình Nhu bị trói thúc ké, trên đầu có nhiều vết đạn và thân thể hai người còn có nhiều vết dao đâm ( Việt Nam Thắng Và Bại của Lê quế Lâm, NSM 1993, tr. 342).

Khi TT. Ngô đình Diệm bị lật đổ, Nguyễn hữu Thọ, Chủ tịch MTGPMN mừng rỡ thốt lên: “Người Mỹ đã làm giùm chúng tôi điều mà 9 năm chúng tôi không làm được”. Nguyễn hữu Thọ đã ví cuộc đảo chính và cái chết của TT. Diệm: “Chẳng khác nào quà tặng từ trên trời rơi xuống”.(Theo Richard M. Nixon, No More Vietnams, Arbor House NY, 1985, tr. 72)

“Vĩnh biệt TT. Ngô đình Diệm, người sáng lập nền Cộng Hòa Việt Nam, người quốc gia yêu nước chân thành đến giờ phút cuối”.
Sau khi TT. Ngô đình Diệm bị sát hại, Dương văn Minh lên nắm quyền chuẩn bị cho giai đoạn “Mỹ Hóa chiến tranh”. Tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã họp khẩn với các cố vấn của TT. Kennedy tìm biện pháp chiến lược cho vấn đề Việt Nam. Ba ngày sau phiên họp, TT. Kennedy bị ám sát tại Dallas, Texas.

Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam.
*Chính trường Miền Nam rối như tơ vò vì đảo chính liên miên.

Tổng thống Ngô đình Diệm chết, Quốc Sách Ấp Chiến Lược bị hũy bỏ. Nhân cơ hội này chiến thuật “lấy nông thôn bao vây thành thị”, của cộng sản được dịp hồi sinh. Tình hình nông thôn trở nên kém an ninh. Trong khi ấy tại thủ đô Sài Gòn rối bời vì nhiều xu hướng chính trị khác nhau của các ông tướng trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Các tướng thân Pháp thì muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam theo con đường của TT. Pháp De Gaulle đã vạch ra là Trung Lập Hóa Miền Nam. Nhưng Trung Lập Hóa Miền Nam không phải là giải pháp Hoa Kỳ mong muốn, nên ngày 30 tháng 1 năm 1964 Hoa Kỳ đã để tướng Nguyễn Khánh làm cuộc “chỉnh lý” để hất cẳng tất cả các tướng có ý muốn Trung Lập miền Nam ra khỏi quyền lực. Ông Khánh cho ra đời Hiến Chương Vũng Tàu, hạ bệ Dương văn Minh, thăng cấp ào ào cho các sĩ quan trẻ để tạo vây cánh, đồng thời cho các sĩ quan già về vườn.

Do không ý thức và hiểu biết sâu rộng về chính trị. Do không nắm vững khuynh hướng can thiệp vào Việt Nam của Hoa Kỳ. Những nhân vật ông tướng, ông tá thời đó đã thay phiên nhau làm đảo chánh để tranh giành quyền lợi khiến tình hình chính trị càng ngày càng tồi tệ.

Ngày 20 tháng 2 năm 1965, sau khi dẹp tan cuộc đảo chính của các ông Lâm văn Phát, Phạm ngọc Thảo, Hùynh văn Tồn hai ông Nguyễn chánh Thi -Tư Lệnh Quân Đoàn Giải Phóng Thủ Đô và Nguyễn cao Kỳ -Tư Lệnh Không Quân đã áp lực buộc ông Nguyễn Khánh rời nước lưu vong sang Pháp.
Lợi dụng tình trạng chia rẽ trong Nam, cộng sản Hà Nội gia tăng các hoạt động quân sự. Bọn chúng giết người bất chấp thủ đoạn. Để khủng bố tinh thần người dân, chúng pháo kích bừa bãi vào các khu dân cư, trường học, chợ búa, nhà thương. Tạo nên cảnh chết chóc thê lương cho người vô tội. Đồng thời, liên tiếp mở những trận dánh cấp Tiểu đoàn, Trung Đoàn, Sư Đoàn.

- Quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam.

Nghị quyết 288 ký ngày 17/3/1964 của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã mở đường cho quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại VN.

Tháng 5 năm 1965, trước tình hình chiến sự ngày càng gia tăng, Quốc trưởng Phan khắc Sữu và Thủ tướng Phan Huy Quát dưới áp lực của các tướng lãnh đành phải bàn giao chính quyền cho quân đội, để kết thúc vai trò lãnh đạo quốc gia trong thời chinh chiến của giới dân sự.

Tướng Nguyễn văn Thiệu, Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Tổng thư ký Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng nhận lãnh trách nhiệm với chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tướng Nguyễn cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Nội Các Chiến Tranh của Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ ra đời. Ngày 19/6 còn được chọn là Ngày Quân Lực để đánh dấu sự trưởng thành của quân đội VNCH. Do sự giựt dây của Việt cộng, Nội Các Chiến Tranh của ông Kỳ đã bị nhiều thành phần nổi lên phản đối kịch liệt. Phật giáo thì xuống đường từ Sài Gòn ra đến Huế, sinh viên thì biểu tình, Tổng Liên Đoàn Lao Công thì ra tuyên cáo đòi phải có một Nội Các Hòa Bình chớ không phải Nội Các Chiến Tranh v.v... tạo nên tình trạng hết sức hỗn loạn.

Vào năm 1965, dưới áp lực quân sự của cộng sản Bắc Việt ngày càng khốc liệt theo yêu cầu của chính phủ VNCH, Hoa Kỳ cho đổ bộ 4 tiểu đoàn TQLC lên Đà Nẵng. Đây là những đơn vị đầu tiên của Hoa Kỳ có mặt tại chiến trường Việt Nam. Sau đó, do thương lượng được với Trung Cộng, Hoa Kỳ đã ồ ạt đổ thêm quân vào VN với quyết tâm ngăn chận tham vọng thôn tính miền Nam của cộng sản Bắc Việt. Số quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại VN lên đến gần nửa triệu người, không kể số quân đồng minh khác như Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Thái Lan. Cuộc chiến bắt đầu leo thang.

Mao trạch Đông đã nói với ký giả Mỹ Edgar Snow về sự kiện Mỹ đổ quân vào VN như sau: “Quân Trung quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng, chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung quốc mới chiến đấu”. (Trong Sự thật về quan hệ VN Trung quốc trong 30 năm qua.Văn kiện của Bộ Ngoại giao Việt cộng, của nhà xuất bản Sự thật Hà Nội 1979 trang 44).

Để chuẩn bị tư tưởng cho cuộc chiến lâu dài, Hồ chí Minh trong diễn văn đọc ngày 17 tháng 7 năm 1966, tại Hà Nội đã nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa. Hà nội, Hải phòng và một số xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân VN quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. (Trong Hồ chí Minh, vì độc lập tự do, vì Xã Hội Chủ Nghĩa, của NXB Sự Thật, Hà Nội, 1970, trang 282).

Quân đội cộng sản Bắc Việt đã thua QLVNCH trong trận dọ sức Tết Mậu Thân

Trước năm 1968, với chiến thuật vừa đánh vừa đi đêm với Hoa Kỳ để đợi thời cơ Tổng Tấn Công Miền Nam, Cộng sản Bắc Việt đã âm thầm đưa nhiều sư đoàn chính quy vào chiến trường cao nguyên Nam phần, Quân khu 5 và miền Đông nam phần dưới sự chỉ huy của tướng VC Nguyễn chí Thanh. Tướng Erth G.Wheeler, Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã so sánh việc chuẩn bị của cộng quân cho trận đánh sắp diễn ra là: “Cộng sản tung ra một nỗ lực tuyệt vọng rất giống như trận đánh ở rừng Ardenne của Đức hồi thế chiến thứ II” (Big Story của Peter Braestrup, Anchor Press, NY 1978,Vol I,pp 60).
Sau nhiều chuyến đi đêm, Hoa Kỳ đồng ý án binh bất động để quân đội Bắc Việt thử lửa với Quân lực VNCH trong một trận quyết định mà chiến trường, thời gian do CSBV chọn lựa. Trong điều kiện đi đêm Hoa kỳ đã hứa với Hồ chí Minh, nếu quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và bộ đội CSBV thắng được quân của chính phủ VNCH, tức thắng được QLVNCH thì Hoa Kỳ sẽ rút quân để MTGPMN và nhân miền Nam toàn quyền định đoạt thể chế của mình. Còn ngược lại, nếu thua, thì MTGPMN phải hợp tác với chính quyền quốc gia miền Nam, giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình.

Thế rồi, qua bài thơ chúc tết vào đêm giao thừa năm Mậu Thân, Hồ chí Minh đã mật lệnh Tổng Công Kích Miền Nam. Bài thơ chúc tết của họ Hồ như sau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên toàn thắng ắt về ta,

Cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng dịp hai bên hưu chiến. Lợi dụng dịp chỉ có 1/2 quân số QLVNCH cấm trại để tấn công Miền Nam. Với cơ hội bất thần này, Hồ chí Minh tin tưởng nắm chắc phần thắng trong tay. QLVNCH sẽ tan rã và chính phủ VNCH sẽ bị lật đổ. Nhưng, những tính toán của Hồ chí Minh đã hoàn toàn sai lầm.

Mặc dù chỉ với quân số 1/2 trong tình trạng cấm trại để giữ gìn an ninh đơn vị, các chiến sĩ QLVNCH với tinh thần chiến đấu dũng cảm, thiện chiến, đã cho bọn cộng phỉ khát máu nếm mùi thất bại chua cay. Trên 30 ngàn cộng quân bị QLVNCH loại ra khỏi vòng chiến. Gần như toàn bộ quân du kích và lực lượng địa phương của MTGPMN bị tiêu diệt . Hàng chục ngàn tên cán binh cuồng tính nhứt, có kinh nghiệm nhứt từ vùng rừng núi nhẩy vào vùng đồng bằng và thôn quê để phơi xác -trả giá cho sự vi phạm hưu chiến một cách trắng trợn trong ba ngày tết thiêng liêng của dân tộc. Tóm lại, qua trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, Việt cộng đã làm mất cả một thế hệ chiến binh mà chúng đã đào tạo và xây dựng trong nhiều năm.

Quân sử gia Hoa Kỳ, đại tá Dave Palmer trong tác phẩm Summons Of The Trumper nhận xét rằng: “Cuộc tấn công của cộng sản đã mang lại kết quả trái ngược. Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tỏ ra có tinh thần và dũng cảm làm ngạc nhiên nhiều người nhứt là các tên lính Bắc Việt. Cộng sản chờ đợi nhân dân nổi dậy tiếp tay với chúng, người dân quả thật có nổi dậy- nhưng để đánh lại quân xâm lược BV”. (Việt Nam Thắng và Bại, Lê quế Lâm, Ngọc Thu XB, Sydney 1993, tr 372).

Việt Nam hóa chiến tranh

Sau trận Mậu Thân, cộng sản Bắc Việt mất địa bàn hoạt động tại nông thôn và các tỉnh quanh thủ đô Sài Gòn. Hầu hết các đơn vị Việt cộng phải rút về mật khu của chúng tại biên giới Việt Miên. Hồ chí Minh vì quá thất vọng không nuốt được miền Nam đã sanh bệnh và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3/9/69, chấm dứt sự nghiệp '-bán nước -hại dân' của kẻ tội đồ dân tộc.

Sau trận Mậu Thân, Quân Lực VNCH tái chiếm và bình định lại các vùng nông thôn trước đó đã bị Việt Cộng kiểm soát. Tình hình nông thôn sáng sủa hơn với chương trình “Người Cày Có Ruộng”.

Với chủ trương muốn kết thúc cuộc chiến trong hòa bình và danh dự, các màn đi đêm giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger với CSBV vẫn tiếp tục diễn ra. Để có thời gian chỉnh đốn lại hàng ngủ gần như tan rã sau trận Mậu Thân, CSBV mới chấp nhận vào bàn hội nghị.Tại Hoa Kỳ phong trào phản chiến lan tràn nhiều tiểu bang đã khiến các cuộc thương lượng của Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn. Trước làn sóng phản chiến, TT. Richard Nixon quyết định rút quân, mở đường cho kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Với hơn một triệu quân gồm quân đội, cảnh sát, nhân dân tự vệ và với tình hình an ninh khắp nơi tương đối ỗn định, TT. Nguyễn văn Thiệu tin tưởng quân dân Miền Nam đủ sức đập tan mộng xâm lược của cộng sản Bắc Việt. Ông Thiệu cho rằng, Bắc Việt đã có dã tâm thôn tính miền Nam, thì CSBV có ngồi vào bàn đàm phán, cũng chỉ là chiến thuật quỷ quái vừa đánh vừa đàm mà thôi. Do đó, chính phủ VNCH chẳng còn con đường nào khác hơn là phải chiến đấu tới cùng để bảo vệ vùng đất tự do. Phải tiêu diệt đến tên cộng sản cuối cùng và phải chiến thắng. Trong khi Hoa Kỳ muốn rút chân ra khỏi Việt Nam và giải quyết chiến tranh trên bàn hội nghị với 3 điểm:

-Mỹ rút quân khỏi VN.
-Ủy hội quốc tế kiểm soát việc ngưng bắn .
-Tổng tuyển cử tự do có Ủy hội quốc tế kiểm soát.

Vào tháng 4/1970, để chuẩn bị cho việc rút quân và thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ phối hợp với QLVNCH tấn công vào căn cứ đóng quân của CSBV tại các mật khu Mõ Vẹt và Lưỡi Câu trong lãnh thổ Miên. Trong cuộc hành quân này Chiến đoàn 8/Sư đoàn 5 BB và lực lượng Thiết vận xa của QLVNCH gặp nhiều tỗn thất tại Snoul, nhưng cuộc hành quân đã cầm chân không cho cộng quân vượt biên đã tạo thuận lợi cho chính quyền VNCH tiến hành kế hoạch bình định nội địa. Cũng nhằm bảo đảm an toàn cho kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, QLVNCH mở cuộc hành quân sang Hạ Lào với chiến dịch Lam Sơn 719 đánh thẳng vào bản doanh của Tổng Cục Hậu Cần tiền phương quân đội CSBV với sự tham dự của lực lượng Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Thiết giáp, 13 tiểu đoàn Pháo binh và Sư đoàn I bộ binh.

Hành quân Lam Sơn 719 chấm dứt sau 44 ngày quần thảo giữa hai bên. Phần lớn tổn thất của QLVNCH trong chiến dịch Lam Sơn 719 đều do sự pháo kích ngày đêm của cộng quân từ các pháo đài được đặt trong các khe núi. Chiến dịch Lam Sơn 719 không mang lại kết quả như ông Thiệu và Hoa Kỳ mong muốn, nhưng đã cho cộng quân thấy rằng chúng không có những vùng bất khả xâm phạm và tinh thần chiến đấu vì lý tưởng tự do của các chiến sĩ QLVNCH luôn luôn sáng ngời.

Từ việc đổ quân vào chiến trường Việt Nam với quân số kỷ lục dưới thời TT. Johnson đến việc muốn rút quân khỏi miền Nam một cách nhanh chóng vội vàng của Hoa Kỳ khiến Bộ Chính Trị CSBV vừa mừng vừa lúng túng. Sự rút quân của Hoa Kỳ đã làm mất chiêu bài Chống Mỹ Cứu Nước của cộng sản Bắc Việt. Để biện minh cho hành động tiếp tục gây chiến, xâm lăng miền Nam, cộng sản Hà Nội đã lên án kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Với bản chất vừa ăn cướp vừa la làng Việt Cộng gọi Việt Nam hóa chiến tranh, là âm mưu thâm độc của Mỹ-Ngụy, vì TT. Nixon đã dùng người Việt Nam chết thay cho binh sĩ Mỹ để tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới.

Vào năm 1972, Bắc Việt đã huy động trên hàng chục sư đoàn chính quy, trên 20 trung đoàn độc lập và trên 700 chiến xa mở những cuộc tấn công QLVNCH tới tấp. Chúng mở các mặt trận cấp sư đoàn tại vùng Ashau, A Lưới, khu Cửa Việt, Darto, Tân Cảnh. Chúng tấn công Lộc Ninh, An Lộc, Bình Long, Cỗ thành Quảng Trị... Trước thái độ hung hăn, háo chiến, vừa đánh vừa đàm và bỏ bàn hội nghị của cộng sản Bắc Việt, tổng thống Nixon đã ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng và tái oanh tạc Bắc Việt. Ngay buổi chiều hôm bị Hoa Kỳ dội bom, CSBV đã đồng ý trở lại bàn hội nghị tiếp tục đàm phán và hứa sẽ bàn thảo nghiêm chỉnh.

Sau gần 5 năm đàm phán với 204 lần công khai và 24 lần mật đàm giữa Mỹ và cộng sản Bắc Việt để giải quyết cuộc chiến Việt Nam, ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris ra đời gồm có chữ ký của Ngoại trưởng Hoa Kỳ William Rogers, Ngoại trưởng cộng sản Bắc Việt Nguyễn duy Trinh, Ngoại trưởng Chính phủ Lâm Thời Cộng hòa Miền Nam Nguyễn thị Bình tức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần văn Lắm.

Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, ngày 29/3/73, tại Bộ Tư Lệnh MAC-V trong phi trường Tân Sơn Nhứt, 42 quân nhân Mỹ đại diện cho các quân binh chủng từng tham chiến tại VN làm lễ cuốn cờ dưới sự có mặt của Đại sứ Bunker và tướng Weyand, Tự Lệnh Quân Lực Mỹ tại VN. Và trong buổi chiều cùng ngày người quân nhân cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Việt Nam dưới sự chứng kiến của Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến. Thế là vài trò quân sự của Mỹ tại VN đã chấm dứt.

CS Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris thôn tính VNCH.

Trong bản Hiệp Định Paris ký ngày 27/1/73 có ghi rõ: “Nhằm mục đích tái lập hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam góp phần củng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới “.

Trong chương 4 điều 10 bản Hiệp Định viết: ‘Hai bên Miền Nam cam kết tôn trọng ngưng bắn và giữ hòa bình ở Miền Nam Việt Nam, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.' Ấy vậy! Mà chỉ vài ngày sau khi ký kết cộng quân đã mở những cuộc tấn công nhắm vào các đơn vị QLVNCH và chiếm nhiều khu vực để lấn quyền kiểm soát buộc lòng QLVNCH phải đánh trả, đã tạo nên tình trạng phi hòa- phi chiến. Chính phủ Nguyễn văn Thiệu đòi CSBV phải rút quân về Bắc -không Liên Hiệp với Chính Phủ Lâm Thời VC -không hợp tác với hành phần thứ ba. Cộng sản Bắc Việt chẳng những không rút quân mà còn gởi thêm vũ khí và chiến cụ tối tân vào Nam bằng đường mòn Hồ chí Minh một cách trắng trợn vì không còn sợ bị phi cơ Mỹ oanh kích.

Việc hòa hợp hòa, giải giữa Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không thành. Chiến tranh lại tiếp diễn. Một phần do thái độ cứng rắn một cách thiển cận của ông Thiệu. Nhưng phần lớn, là do quyết tâm phải nuốt trọn miền Nam của CSBV theo lệnh của quan thầy Nga -Tàu.

Trước tình trạng Hiệp Định Ba Lê bị vi phạm nghiêm trọng, tháng 6/1973, Kissingers và Lê đức Thọ lại gặp nhau tại Paris tìm biện pháp cải thiện việc thi hành. Nhưng từ đó trở về sau thì việc thi hành Hiệp Định Paris không còn được CSBV quan tâm đến khi biết chắc chắn Hoa Kỳ đã phủi tay.

Đến cuối năm 73, áp lực quân sự của cộng quân mỗi ngày mỗi đè nặng lên VNCH, viện trợ quân sự Hoa Kỳ dành cho VNCH từ 1,126 triệu đô la giảm xuống còn 900 triệu. Tính đến tháng 4/74 thì số đạn đại bác - vũ khí nồng cốt của QLVNCH tồn kho chỉ còn đủ dùng không đầy 60 ngày với điều kiện cuộc chiến không gia tăng cường độ. Và khoảng 35% quân xa, 50% thiết giáp và phi cơ bất khiển dụng vì thiếu phụ tùng thay thế. Trong khi VNCH gặp khó khăn, thì CSBV lại được Nga -Tàu viện trợ tối đa. Cán lực lượng quân sự giữa hai bên đã nghiêng phần bất lợi cho VNCH một cách rõ rệt.
Vào năm 1974, thì chiến cụ và tiếp liệu của QLVNCH đã bắt đầu thiếu thốn. Lợi dụng tình trạng đó, cộng quân gia tăng các hoạt cộng tấn công, phá hoại, khiến nhiều khu vực VNCH lâm vào tình trạng mất an ninh. Về mặt chính trị thì các phong trào trong nước rần rộ nổi lên tố cáo TT. Thiệu bè phái và tham nhũng. Nhiều đoàn thể, đảng phái, tôn giáo trước đó ủng hộ ông Thiệu cũng lên tiếng phản đối, đồng thời họ kêu gọi hai bên quốc gia cũng như cộng sản hãy ngưng chiến và thi hành Hiệp Định Ba Lê một cách đứng đắn.

Lợi dụng tình hình chính trị rối loạn tại Sài Gòn, cộng quân đã mở trận đánh thăm dò trên quốc lộ 14, cắt đứt con đường nối liền tỉnh Phước Long với Bộ Tư Lệnh SĐ 5 BB đóng tại Lai Khê. Sau đó đến ngày 6/1/75, cộng quân huy động 2 sư đoàn cùng với chiếc xa, pháo binh, súng phòng không đánh chiếm tỉnh Phước Long. Đó là lần đầu tiên cộng sản Bắc Việt chiếm trọn một tỉnh của VNCH kể từ khi phát động chiến tranh xâm lược.

Ngày 8/1/75, trong diễn văn đọc bế mạc đại hội tại Hà Nội, Lê Duẫn công khai tuyên bố thời cơ chiếm miền Nam đã đến vì: “quân
Mỹ đã rút ra rồi, quân đội ta có sẵn trong Nam và cuộc chiến đấu ở miền Nam được thực lực mạnh ở miền Bắc dấy lên thành sức mạnh cả nước”. (Văn tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, NXB/QĐND, Hà nội,1976, tr.39).

Trước việc cộng quân chiếm tỉnh Phước Long, vi phạm trắng trợn

Hiệp Định Ba Lê, chính phủ VNCH lên tiếng phản đối. Nhưng Ủy Hội Quốc tế và Hoa Kỳ vẫn im hơi lặng tiếng. Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford, người thay thế TT. Nixon sau vụ Watergate vẫn không có phản ứng gì, trái với lời hứa lúc nhậm chức là không bỏ rơi Việt Nam. Lúc ấy, ông Ford chỉ yêu cầu quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn gấp để viện trợ cho VNCH 300 triệu.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, cộng quân tấn công Ba Mê Thuộc. Cộng sản Bắc Việt đã dùng 3 sư đoàn chính quy tấn công Bộ Tư Lênh sư đoàn 23 BB và Bộ chỉ huy Tiểu khu Darlac mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên.

Để tìm biện pháp ngăn chận cuộc tiến quân của cộng sản Bắc Việt. Ngày 14/3/75, TT. Nguyễn văn Thiệu ra Cam Ranh họp với 4 tướng Tư lệnh 4 Vùng chiến thuật với sự có mặt của 3 cố vấn cật ruột là các tướng Trần thiện Khiêm, Cao văn Viên và Đặng văn Quang. Buổi họp đã đi đến quyết định bỏ ngỏ cao nguyên vì TT. Thiệu cho rằng, trong tình trạng thiếu quân viện QLVNCH không đủ khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nên phải bỏ bớt những vùng kém trù phú, gom lực lượng về bảo vệ vùng duyên hải và đồng bằng. Sau buổi họp, tướng Phạm văn Phú Tư Lệnh Quân Đoàn II nhận chỉ thị lo việc di tản quân dân VNCH khỏi vùng cao nguyên, tướng Phú ủy thác nhiệm vụ lại cho Đại tá Tất vừa được vinh thăng chuẩn tướng. Cuộc di tản do thiếu tổ chức, không có kế hoạch chu đáo đã diễn ra một cách hỗn loạn trên đường bộ. Đoàn người di tản kẹt cứng tại bến phà sông Ba làm mồi cho những trận mưa pháo của quân thù. Rốt cuộc chỉ có 1/6 trong số 260 ngàn dân và 3 tiểu đoàn trong số 8 tiểu đoàn chạy thoát được về vùng cuyên hải.

Thừa thắng, cộng quân xua quân chiếm Quảng Trị ngày 19/3/75, dân chúng cố đô Huế hốt hoảng ùn ùn chạy về Đà Nẳng. TT. Thiệu cho rút toàn bộ Sư Đoàn Dù và Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến về bảo vệ thủ đô vì sợ bị đảo chính. Không đủ lực lượng phòng thủ, tướng Ngô quang Trưởng Tư Lệnh Vùng I Chiến thuật phải lui binh về cố thủ Đà Nẵng. Cuộc thoái quân cũng không kém phần hỗn loạn. Chừng khi tướng Trưởng được lệnh phải trở lại cố thủ Huế thì đã muộn, không dễ dàng, vì gặp khó khăn bởi làn sóng người di tản ào ào như nước chảy đang đổ về phương Nam.

Ngày 30/3/75, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn lọt vào quyền kiểm soát của cộng quân. Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà sụp đổ. Năm sư đoàn bộ binh và các lực lương Không quân, Hải quân, Địa phương quân, Nghĩa quân và nhiều lực lượng Tổng Trừ Bị, tổng cộng gần 300 ngàn quân đã tan rã. Một tỷ đô la vũ khí đạn dược, 16 tỉnh, 5 thành phố lớn của VNCH chỉ trong vòng 15 ngày 1/3 lãnh thổ đã lọt vào tay kẻ thù vì cuộc triệt thoát quân vô tổ chức, thiếu kế hoạch của ông Thiệu và tập đoàn tham mưu bất tài. Với chiến thắng bất ngờ không đổ nhiều xương máu, không tốn
nhiều gian khổ, cộng sản Bắc Việt quyết định mở chiến dịch Hồ chí Minh tiến đánh Sài Gòn sớm hơn kế hoạch chúng dự trù là đến năm 1976.

Tính đến trung tuần tháng 4/75 thì Vùng I và Vùng II chiến thuật, các vùng duyên hải trung phần đã hoàn toàn lọt vào tay cộng quân. Từ cao nguyên Trung phần cộng quân tiến về Sài Gòn. Khi đến phòng tuyến Xuân Lộc quân CSBV phải khựng lại vì chạm phải sức kháng cự mãnh liệt, anh dũng của các chiến sĩ QLVNCH. Phòng tuyến Xuân Lộc đã đứng vững vàng trong suốt một tuần lễ từ 9-15/4/75. Chính tướng Homer Smith, Tùy viên Quân sự sứ quán Hoa Kỳ đã gởi thơ cho tướng George S. Brown Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ ca ngợi lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của các quân nhân QLVNCH trong tình thế vô cùng bất lợi về hỏa lực cũng như quân số. (Nguyễn tiến Hưng, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, C&K Promotion, Los Angeles, 1987, tr. 568).



Vào nửa đêm ngày 18/4/75, đại sứ Hoa Kỳ Martin gọi điện thoại báo cho đại sứ Pháp là ông Merillon biết là Hoa Kỳ dứt khoát không nhúng tay vào Việt Nam nữa và nhờ ông Merillon thông báo cho CSBV biết để họ dễ bề hành động. Đại sứ Martin khuyên ông Thiệu nên từ chức ra đi thay vì bị đảo chính. Ông Nguyễn cao Kỳ được nhắc đến ở những giờ phút cuối này, nhưng đại sứ Matin cho biết, vai trò của ông Kỳ không còn cần thiết khi Hoa Kỳ đã quyết định phần thắng dành cho Cộng sản Hà nội. (trong tóm lược Hồi ký Saigon et Moi của Merillon đăng trên bao Hồn Việt).

Ngày 21/4/75, TT. Nguyễn văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó TT. Trần văn Hương theo quy định của hiến pháp, chấm dứt thời kỳ quân đội điều hành quốc gia trong cuộc chiến Quốc-Cộng. Vào chiều ngàỵ 25/4/75, ông Thiệu, ông Khiêm với gia đình và đoàn tùy tùng rời Việt Nam đi Đài Loan an toàn với sự hộ tống trùm CIA Sàigòn Thomas Polar, tướng Charles Times và đại sứ Martin.

Sau khi nhận chức TT. Trần văn Hương mời Dương văn Minh đứng ra thành lập chính phủ để nói chuyện với phía cộng sản, nhưng Dương văn Minh đòi TT. Hương phải bàn giao trọn quyền tổng thống thì ông ta mới có uy thế nói chuyện với phía bên kia. Tổng thống Hương biết Dương văn Minh là kẻ bất tài, thiển cận về chính trị nên đã không làm theo ý của ông Minh. Tổng thống Hương đành phải tự giải quyết việc thương thuyết với CSBV, nhưng CSBV trả lời rằng họ chỉ muốn nói chuyện với Dương văn Minh.

Ngày 24 tháng 4/75 tổng thống Pháp D'Estaing gọi điện thoại cho ông Merillon ra lệnh phải giải quyết gấp việc hòa giải giữa Sàigòn và Hà Nội mà Pháp đang làm vai trò trung gian. Được lệnh TT. Pháp, đại sứ Merillon đã vào Dinh Độc Lập thuyết phục TT. Trần văn Hương rút lui và bàn giao chức vụ cho Dương văn Minh, nhưng ông Hương không đồng ý. Ông cho biết theo hiến pháp ông sẵn sàng trao quyền lại cho Chủ tịch quốc hội là ông Trần văn Lắm.

Sáng ngày 26/4/75, TT. Trần văn Hương điều trần trước lưỡng viện quốc hội đã đưa ra hai vấn đề:
ơ -Nếu quốc hội đồng ý, ông sẽ trao quyền cho Dương văn Minh.
-Nếu quốc hội đồng ý ông sẽ chỉ định thành
lập chính phủ thương thuyết với CSBV trong tinh thần hòa giải- hòa hợp để vãn hồi hòa bình cho đất nước.

Trong ngày điều trần, TT. Hương đã nhấn mạnh: ”Nếu cộng sản đưa ra điều kiện của kẻ thắng người cho người bại trận, thì không còn cách gì hơn là nếu được, chúng ta cứ việc chiến đấu đến cùng... Chừng đó dẫu Sài Gòn này có biến thành biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện mình không thể nào mà từ chối được, trừ một số người mới chấp nhận cái chuyện đó...VNCH có thể phải chịu một vài điều kiện khó khăn đau đớn, nhưng điều kiện đó không phải là những bước hoàn toàn để đầu hàng. Nếu thương thuyết để đầu hàng thì thương thuyết gì nữa, thà là chết, chiến đấu đến cùng...chớ không thể chấp nhận đầu hàng được”. ( trong diễn văn của TT. Trần văn Hương đọc trước quốc hội ngày 26/4/75).

Vào ngày 27/4/75 trong lúc quốc hội đang thảo luận nên trao quyền lãnh đạo cho ai thì một phái đoàn gồm có ông Nguyễn văn Hảo Phó thủ tướng, Trần văn Đôn Phó thủ tướng (thay thế ông Nguyễn bá Cẩn Thủ tướng đã bỏ đi hôm trước), và tướng Cao văn Viên đến quốc hội thúc giục biểu quyết trao quyền tổng thống cho ông Dương văn Minh. Cuối cùng quốc hội đã biểu quyết với số phiếu 134 thuận và 2 chống. Chiều ngày 28/4/75, Dương văn Minh lên nhậm chức tổng thống VNCH. Sau khi Dương văn Minh lên nắm quyền, các ông Trần văn Đôn, Cao văn Viên và nhiều tướng lãnh cao cấp khác thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH mạnh ai nấy tìm đường cao bay xa chạy trong khi các chiến sĩ QLVNCH đang bảo vệ thủ đô, và những phần đất còn lại không hay biết vẫn tiếp tục chiến đấu. Riêng TT. Trần văn Hương mặc dù được Hoa Kỳ đặc biệt cung cấp phương tiện để rời nước nhưng ông từ chối không đi. Ông ở lại đối đầu với VC cho tới giờ phút Sài Gòn thất thủ và mãi mãi.

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đại sứ Martin và những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, bốn quân đoàn cộng sản Bắc Việt từ từ siết chặt vòng vây quanh thủ đô Sài Gòn với những đợt pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhứ, Bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập. 10 giờ sáng ngày hôm đó, Dương văn Minh lên đài phát thanh kêu gọi toàn thể quân nhân QLVNCH ngưng bắn, nằm yên tại chỗ để bàn giao chính quyền cho chính phủ của MTGPMN. Đến11 giờ 30, hai xe tăng đầu tiên của CSBV tiến vào ủi sập cổng Dinh Độc Lập.

Một tên cộng quân trên xe tăng nhảy xuốn đất hét to: “Minh lớn đâu? Minh lớn đâu?... ra đây quỳ xuống”.Khi tên thượng tá VC Bùi văn Tùng bước vào phòng khánh tiết của Dinh Độc Lập, toàn thể nội các của ông Vũ văn Mẫu và ông Dương văn Minh đã có mặt sẵn tại đó. Dương văn Minh đứng dậy nói ngay: “Sáng hôm nay chúng tôi sốt ruột quá. Chúng tôi chờ các ngài đến bàn giao”. Bùi văn Tùng trả lời: “Chính quyền của các anh từ trung ương đến cơ sở đã sụp đỗ tan tành thì còn có cái gì để bàn giao? Có lẽ nào người ta có thể bàn giao những cái người ta không còn nữa. Các anh đã bại trận và chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Sau đó Tùng đưa Dương văn Minh và Vũ văn Mẫu đến đài phát thanh đọc lệnh đầu hàng nguyên văn như sau: “Nhân danh tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tôi đại tướng Dương văn Minh, kêu gọi toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hãy bỏ súng và đầu hàng vô điều kiện với Quân Đội Giải Phóng Miền Nam. Tôi tuyên bố giải tán tất cả các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương”.(Saigon, the Historic Hours, 1975- VNTVB, Lê quế Lâm, NXB Ngọc Thu, Sydney 93).

Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh đã giết chết nền Cộng Hòa Việt Nam và giết chết QLVNCH - một đơn vị thiện chiến - dũng cảm trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Năm 1982, khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam, học giả Hoa Kỳ Norman Podheretz, người từng lên án Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam đã nói: “Chế độ tự do ở Miền Nam Việt Nam sụp đổ không phải “trước những du kích quân mặc áo bà ba đen” thực hiện cuộc chiến tranh nổi dậy của nhân dân Miền Nam Việt Nam mà họ đã thua trước một đội quân xâm lăng được trang bị khí giới tối tân. Thua một đạo quân như thế thì không thể nói là Miền Nam Việt Nam tồi tệ như nước Pháp đã thua Đức Quốc Xã như hồi năm 1940”. (Norman Podheretz, Why We Were In Vietnam, Simon &Schuster, NY 1982,p.117-Bản dịch Phạm kim Vinh, Nước Mắt Việt nam ,Tr.740)

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bất tử trong dòng sử Việt.

Mấy chục năm đã trôi qua, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam Việt Nam lọt vào tay bạo quyền Việt cộng, họ đã tìm đủ mọi cách để chà đạp lên ý nghĩa cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của người lính VNCH. Nhưng chắc chắn bây giờ và cho mãi đến ngàn sau. Họ sẽ không bao giờ đạt thành ý nguyện.

Điều này, được chứng minh hùng hồn qua hiện tượng hàng năm người Việt tha hương khắp mọi nơi trên thế giới đã long trọng tổ chức ngày quốc hận 30 tháng 4, ngày Quân Lực 19/6 để nói lên tinh thần chiến đấu bảo vệ tự do của một dân tộc và một quân lực hào hùng, dũng cảm.

Trong các ngày lễ này quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa, quân kỳ của các quân binh chủng trong QLVNCH bay phất phới giữa lòng các thành phố nơi hải ngoại. Tới nay, hình ảnh này đã là một thực tế làm Cộng sản Việt Nam nhức nhối, điên đầu, khó chịu, không vui.

Việt cộng nhức nhối, điên đầu, khó chịu, không vui vì hình ảnh ngày 30 tháng 4 là hình ảnh của sự xâm lăng, chà đạp nhân quyền. Đây cũng là iểu tượng của sự tham lam, nghèo đói, chết chóc, đau khổ, bịnh tật và ngục tù mà cộng sản Bắc Việt đã gieo rắc lên nhân dân hai miền Nam Bắc khi chúng cam tâm hiến đất, dâng biển chịu làm thân trâu, ngựa cho Tàu Cộng sai khiến.

*Đặng thiên Sơn
(ĐĐ1/Trinh Sát/SĐND/QLVNCH)