Thursday, July 31, 2008

Từ Nghị viên Madison đến Hồng Y Phạm Minh Mẫn: Hai hình ảnh một vấn đề .

Từ Nghị viên Madison đến Hồng Y Phạm Minh Mẫn: Hai hình ảnh một vấn đề .
. Đặng thiên Sơn

Trong một thư ngỏ của Hồng Y Phạm Minh Mẫn gởi cho 3 vị Giám mục Việt Nam tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Hải Ngoại tổ chức tại Sydney, Úc Châu từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, với chủ đề “Ngàn nhân chứng, một niềm tin” có đoạn liên quan đến lá cờ. Nguyên văn như sau: “Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chử nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia. Có lúc chỉ biểu trưng cho một thói đời mang tiếng đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tính hữu và bản thân tôi bài học lịch sử nầy: Người mẹ Việt Nam, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)…”

Lời lẽ đoạn thư trên rất tượng hình, đọc qua ai cũng hiểu được ý H.Y Phạm Minh Mẫn muốn gì, vì việc ông đi thăm viếng con chiên thì có liên quan gì đến cờ xí đâu, mà ông lại nói như vậy.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy người Việt hải ngoại khắp nơi, đã lên tiếng phản đối lời nói này. Trong bài viết có tựa đề “Hiện tượng Hồng Y Phạm Minh Mẫn”, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, đã viết: “Vai trò Mục Vụ của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong những chuyến thăm viếng theo đúng nghĩa là đem an bình và hợp nhất đến cho đàn chiên. Nhưng trong lần tham dự ĐHGTTG sắp tới tại Sydney, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Hồng Y Phạm Minh Mẫn chẳng những không mang lại được cho đàn chiên Công Giáo tại Úc Châu sự hợp nhất và bình an, mà còn có thể gây ra sự phẫn nộ, chia rẽ và rối loạn trong Cộng đồng người Việt tị nạn tại quốc gia này”.

Đúng như lời LM. Nguyễn Hữu Lễ nói, chuyến đi của H.Y. Phạm Minh Mẫn chẳng những không làm cho đàn chiên của Chúa bình an tại Úc châu, mà còn lan rộng ra khắp nơi có người Việt cư ngụ. Sự kiện này đã nói lên tinh thần người Việt quốc gia hải ngoại trước và sau như một. Nghĩa là, cho dù thời gian có là bao nhiêu năm đi nữa, thì người Việt hải ngoại vẫn là những người luôn luôn mặc “áo vàng” chớ không mặc “áo đỏ” như ý H.Y. Phạm Minh Mẫn nói quanh co với nhiều ẩn dụ.

Những lời nói của H.Y. Phạm Minh Mẫn, chẳng những là “biểu trưng mang thói đời đối kháng” cờ vàng ba sọc đỏ, mà còn chuyên chở tư tưởng muốn “xóa lằn ranh quốc - cộng” trong lòng ông. Với tư tưởng “bất bình thường” của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, đã khiến ông có những bước chân đến âm thầm, rồi cũng ra đi âm thầm. Những bước chân bất bình thường này, rồi sẽ được người Việt hải ngoại xóa sạch vì sự nghịch lý của nó.

Nghĩ đến những lời của Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Nhớ lại những việc làm của nghị viên Madison Nguyễn liên quan đến lá cờ vàng. Người Việt quốc gia hải ngoại không khỏi ngậm ngùi, cay đắng với những điều, mà bà Madison đã dành cho lá cờ thân yêu của họ.

Qua cuộc phảng vấn giữa đài phát thanh Việt Nam AM Radio của ông Huỳnh Hớn và ông Mạc văn Thuận, đã cho thấy bà Madison dị ứng với cờ vàng ba sọc đỏ nặng. Vì dị ứng với lá cờ, nên bà đã có những “biểu trưng mang tính đối kháng” với nó rõ rệt.

Theo lời kể của ông Mạc Văn Thuận, thì trong một lần gặp bà Madison, ông đã ân cần và trịnh trọng trao cho bà lá cờ vàng bằng giấy loại cầm tay. Bà Madison nhận lấy, nhưng tíc tắc ngay sau đó, bà bỏ lá cờ trên mặt bàn kế bên và quay lưng đi. Thái độ này của bà Madison đã làm cho ông Thuận thấy buồn trong lòng, thấy ân hận vì đã trao lầm người, khiến biểu tượng quốc gia bị khinh miệt.

Có nhiều người binh vực cho thái độ của bà Madison đã nói: Nếu bà Madison không tôn trọng cờ vàng ba sọc đỏ, thì tại sao vẫn thấy bà đi tham dự những hội hè có cờ VNCH. Xin thưa, hình thức khác với tư tưởng. Hình thức là cái võ, bộ áo bên ngoài che cho cái ruột bên trong. Còn cái ruột bên trong là tư tưởng, là tim óc. Hình thức thì người ta dễ nhận ra và thấy ngay. Còn tư tưởng thì sẽ thể hiện phơi bày theo thời gian qua lời nói việc làm. Chuyện bà Madison “không ưa” lá cờ vàng được chứng minh tiếp theo đây.

Trung tá Võ Đại, Chủ tịch Liên Hội Sĩ Quan Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kể rằng: Vào năm 2005, lúc bà Madison chỉ là Ủy viên học chánh khu 7, thời gian ông Ron Gonzales làm thị trưởng. Khi hay tin ông Dave Cortese, nghị viên khu vực 4, nay là phó thị trưởng, đề nghị đưa vấn đề Nghị quyết cờ vàng ra trước phiên họp của HĐTP để cứu xét và biểu quyết, thì bộ ba “Vũ Đức Vượng, Nguyễn Xuân Ngãi và Madison Nguyễn” tuần tự gọi điện thoại vào văn phòng Ủy ban định chế (Rule Committee) xin tạm ngưng đưa nghị quyết ra phiên họp, với lý do là bản Nghị quyết chỉ có hai, ba câu cần phải có thời gian nghiên cứu lại.

Theo lời Trung tá Võ Đại, thì bản Nghị quyết cờ vàng ông Dave Cortese đưa ra phiên họp, là văn bản dựa theo Nghị quyết cờ vàng của tiểu bang Massachusetts - tiểu bang đầu tiên trên đất Mỹ có Nghị quyết cờ vàng. Nội dung nghị quyết này với những chi tiết đầy đủ, chặt chẻ thể hiện tinh thần người Việt quốc gia lưu vong, đã được giáo sư Nguyễn Văn Canh nghiên cứu, đọc qua và Trung tá Võ Đại là người đã chuyển giao nghị quyết này đến tay ông Dave Cortese. Như vậy, trước đó chỉ có ba người là giáo sư Nguyễn Văn Canh, Trung tá Võ Đại và ông Dave Cortese là những người đã đọc nội dung nghị quyết mà thôi. Tuy nhiên như đã nói, với lập trường dị ứng cờ quốc gia, qua tư cách một Ủy viên Học chánh bà Madison gọi điện thoại vào Ủy ban Định chế thành phố ngăn cản việc đưa vào chương trình phiên họp. Việc làm này, đã tố cáo tư tưởng “không ưa” cờ quốc gia trong tim óc bà Madison.

Thêm vào đó, như đã nhắc tới nhắc lui nhiều lần, vì có vi trùng nói láo trong máu, nên mặc dù không thấy, không đọc một chữ trong bản nghị quyết và không biết nội dung nghị quyết ngắn, dài ra sao. Bà Madison đã tỉnh bơ nói rằng nghị quyết chỉ có vài câu. Nhưng mọi nổ lực chống phá, ngăn cản nghị quyết cờ vàng của Vũ Đức Vượng, Nguyễn Xuân Ngãi và đặc biệt là của bà Madison Nguyễn đã thất bại hoàn toàn.

Với sự làm việc nhiệt tình của ông Dave Cortese, các thân hữu và 14 hội đoàn quân đội cũn như dân sự trong cộng đồng Việt Nam, Nghị quyết Cờ vàng San Jose ra đời một cách vinh quang. Chẳng những vậy, mà nghị quyết này còn có điểm đặc biệt trội hơn Nghị quyết cờ vàng Massachusetts và các nơi khác, là chỉ cho phép cờ vàng ba sọc VNCH được treo tại các trường học trong phạm vi thành phố San Jose mà thôi.

Chỉ còn 7 tuần lễ nữa là thời hạn lấy chữ ký bãi nhiệm chấm dứt. Không biết tới giờ này, bà thư ký thành phố Lee Price đã nhận được bao nhiêu thơ xin rút chữ ký của cử tri theo lời hướng dẫn của bà Madison ?. Trong khi ấy, một nguồn tin cần được phối kiểm, là khi những nỗ lực vùi dập rẽ tiền của ông Chuck Reed thất bại , thì ông ta sẽ bỏ rơi người mà ông đã từng ôm nhau để sống, trong cái gọi là “thực tế chính trị” được ông Hoàng Thế Dân mô tả với nhiều chi tiết trên đài truyền hình của ông Nguyễn Mạnh.

Một tin khác cũng cần phối kiểm, là tin trước tình trạng nguy kịch, bà Madison muốn “deal” với cộng đồng để giữ lại chiến ghế chỉ còn một chân cho đến hết nhiệm kỳ.

Và cuối cùng chỉ có một tin, hình như không cần phối kiểm, là với lối làm việc khoa học, cho đến nay việc thu thập chữ ký của Ủy Ban Bãi Nhiệm đã diễn ra tốt đẹp, mặc dù có những luận điệu, những thủ đoạn hạ cấp của bên chống bãi nhiệm đưa ra nhằm gây trở ngại, khó khăn cho UBBN. Nhưng nói chung, xin bà con yên tâm và xin đề nghị
đồng hương khu vực 7 chưa có cơ hội cho chữ ký hãy nhín chút tời giờ đến Thanh 39 Gift Shop trên đường Senter và khu Shoping Paloma nằm trên đường King/Aborn để cho chữ ký trong hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần cho đến hết tháng 8/08, và vui vẻ tiếp đón các toán làm việc của UBBN đến từng nhà. Riêng quí đồng hương ngoài khu vực 7 hãy tích cực yểm trợ tài chánh cho UBBN, để có phương tiện truyền bá chính nghĩa bãi nhiệm của CĐVN đến các cộng đồng bạn bằng Anh ngữ và tiếng Mễ trên các cơ quan báo chí và truyền thanh.

Khi đề cập đến việc bãi nhiệm bà Madison, những người chống bãi nhiệm thường nói lời nhân nghĩa: “Cùng là người Việt Nam với nhau, chúng ta phải thương yêu nhau và tha thứ cho nhau.” Tôi không đồng ý quan điểm này, vì thử hỏi Hồ Chí Minh cũng là người Việt, nhưng chúng ta có thể nào thương và tha thứ nổi cho tội ác tày trời của tên quốc tặc này không? Riêng đối với hiện tượng Madision, tôi miễn cưỡng đồng ý với câu nói trên ở vế thứ nhứt, nhưng hoàn toàn không đồng ý ở vế thứ hai. Vế thứ nhứt, tôi nghĩ là không có ai ghét bà Madison. Nhưng ở vế thứ hai, không ai chấp nhận sự man trá, mở miệng ra là nói láo một cách chuyên nghiệp của bà Madison, nên không ai đồng ý để cho bà ta tiếp tục ngồi lâu hơn nữa để tiếp tục nói láo.

• Đặng thiên Sơn
16 tháng 7/08

No comments: